Ảnh minh họa |
Theo một thông cáo báo chí do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) phát ra ngày 7/6, hiện số tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là 6,1 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm thuộc Chi hội Dăm gỗ khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng. Riêng với 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số thuế chưa được hoàn đến hết tháng 5/2023 là 1.105 tỷ đồng, Viforest thông tin.
Các doanh nghiệp hội viên Chi hội Gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỷ đồng. Số còn lại khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng là của các doanh nghiệp viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác.
Hiệp hội này cho biết, bây giờ là thời điểm các doanh nghiệp hết sức khó khăn vì thiếu vốn để xoay xở và hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng.
Thông cáo báo chí của Viforest trích dẫn ý kiến của đại diện Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng cho biết, công ty này gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế VAT vì thời gian hoàn thuế kéo dài. Theo quy định thời gian đối với hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau là 40 ngày nhưng hồ sơ hoàn thuế của công ty bị kéo dài tới hơn 6 tháng mà không nhận được quyết định hoàn hay không.
Nguyên nhân là bởi do có bất cập trong khâu truy xuất, xác minh nguồn gốc gỗ vì theo quy định phải xác minh tới tận hộ trồng rừng. Trong khi đó, một lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp được mua của vài chục hộ trồng rừng tại rất nhiều các địa phương khác nhau.
Đại diện Lâm Thanh Hưng cho biết, công ty gặp khó khi không có thời gian và nhân lực để đi xác minh đủ số hộ bán gỗ cho công ty. Vì vậy, công ty phải rút hồ sơ và tạm thời hoãn nộp hồ sơ hoàn thuế để tập trung vào sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là tình trạng của đại diện Công ty TNHH Tỷ Long. Công ty này cho biết việc xác minh tới người dân rất khó cho doanh nghiệp. Công ty nộp hồ sơ hoàn thuế cách đây 2 năm, tới nay vẫn chưa được hoàn thuế do hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra.
Hiện hồ sơ hoàn thuế này đã kéo dài 2 năm mà chưa xác minh xong. Trong khi doanh nghiệp mua ở nhiều địa bàn từ rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau, có thể từ hàng nghìn chủ rừng, nếu đi xác minh đầy đủ có thể phải mất 5 năm để công ty được hoàn thuế.
Đề nghị bỏ thuế 10% đối với ngành gỗ nếu việc hoàn thuế tiếp tục kéo dài
Trước tình hình đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và doanh nghiệp gỗ khẩn thiết đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế rà soát lại các vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành, gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo dòng tài chính để doanh nghiệp ký kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp hiện có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện.
Viforest đề nghị Bộ tài chính, Tổng cục thuế xem xét và trả lời các hồ sơ hoàn thuế, chia ra từng giai đoạn 3 tháng, 6 tháng để giải quyết dứt điểm các bộ hồ sơ cho doanh nghiệp.
“Đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng với doanh nghiệp thương mại thì cho phép hoàn thuế VAT vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì đề nghị thanh/kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật”, Viforest nêu rõ.
Đồng thời, hiệp hội này cũng đề nghị Tổng cục Thuế chỉ đạo và hướng dẫn các cục thuế tỉnh và các chi cục thuế cấp huyện thị tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong thời gian tới, thông qua việc đẩy nhanh tiền kiểm các bộ hồ sơ hoàn thuế VAT đang có lịch hẹn.
Theo Viforest, quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT rất phức tạp, không khả thi, mất nhiều thời gian và phát sinh nhiều chi phí nếu tiến hành xác minh đầy đủ.
Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị các cơ quan thuế chỉ tập trung kiểm soát chặt các nhà cung cấp, doanh nghiệp có xuất hóa đơn thông qua hệ thống hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp bị phát hiện gian lận hoàn thuế VAT phải bị xử lý nghiêm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu sản phẩm gỗ tuân thủ pháp luật và giúp ngăn ngừa từ sớm những rủi ro trong lĩnh vực thuế.
Về lâu dài, Viforest đề nghị đưa mặt hàng gỗ ra khỏi nhóm những mặt hàng rủi ro cao trong việc hoàn thuế vì, theo quy định của Luật Lâm nghiệp, gỗ rừng trồng là gỗ hợp pháp.
Nếu tình trạng hoàn thuế VAT còn kéo dài và chưa có hướng xử lý, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng này, để tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế để gian lận ngân sách Nhà nước, tác động xấu tới các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính.
Một đề xuất khác của Viforest là các cơ quan thuế có cơ chế/chính sách để doanh nghiệp đóng thuế hộ khâu chế biến gỗ trung gian với mức 1,5% và doanh nghiệp được phép hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.