Sáng ngày 11/12, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ) làm việc với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và một số bộ ngành, địa phương tại Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hòa Lạc).
Phát biểu tại tọa đàm với chủ đề: "Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã nêu hợp tác đột phá giữa hai quốc gia trong giai đoạn tới sẽ là đổi mới sáng tạo, công nghệ cao trong đó có công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Để triển khai nội dung hợp tác trong Tuyên bố chung nêu trên, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Trong đó, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư kinh doanh cho các nhà đầu tư. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế "một cửa" giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư.
"Chúng tôi đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và sẽ sớm ban hành trong đầu năm 2024. Theo đó, mục tiêu đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư cho ngành đến năm 2030, trong đó dự kiến có 15.000 kỹ sư chất lượng cao trong thiết kế vi mạch, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư tại Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng với 3 khu công nghệ cao tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.
Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.
Vừa qua Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024.
Việt Nam đã và đang là địa điểm được lựa chọn của nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn… Đây cũng là minh chứng cho thấy sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cho các nhà đầu tư ngành bán dẫn.
"Tôi tin tưởng rằng, ngài Chủ tịch và đoàn công tác sẽ nhận được nhiều thông tin tích cực để nghiên cứu tiềm năng hợp tác đầu tư với Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
"Tôi tin Việt Nam đã sẵn sàng, chuẩn bị tốt, đây là thời cơ của các bạn"
Tại tọa đàm, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nvidia đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.
"AI là làn sóng mới đã xuất hiện và có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Tôi tin Việt Nam đã sẵn sàng, chuẩn bị tốt, đây là thời cơ của các bạn. Đây cũng là thời điểm tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược, AI và chip - hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia", ông Jensen Huang nêu rõ.
Cũng trong phần phát biểu của mình, Chủ tịch Nvidia chia sẻ công thức gồm 3 thành phần mà Việt Nam đã có đủ để có thể tận dụng được những làn sóng mới này gồm: kinh tế số - nhân lực số - hạ tầng.
Tuy nhiên, sau khi đã có đủ thành phần, Việt Nam cần có tầm nhìn và cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển công nghệ mới. Đại diện Nvidia cho rằng từ đội ngũ kỹ sư hiện tại, Việt Nam có thể đào tạo nâng cao năng lực để phục vụ phát triển AI và Nvidia sẽ cùng tham gia quá trình này.
Ông Huang cho biết sẽ lập một trung tâm thiết kế tại Việt Nam. Đề cập việc Việt Nam đã có rất nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực máy tính làm việc trên khắp thế giới, đồng thời là một trong những nước xuất khẩu phần mềm lớn nhất.
Ông nhận định Việt Nam có thể tạo ra "một triệu kỹ sư AI" và là đội ngũ kỹ sư AI hùng hậu nhất thế giới. Nvidia cũng sẽ hợp tác với các đối tác trong nước để phát triển hạ tầng AI, gồm siêu máy tính, trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu phát triển.
Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia và thành lập pháp nhân tại Việt Nam.
Nhấn mạnh làn sóng mới này thực sự rất lớn, nhưng cũng rất nhanh, không giống như các cuộc cách mạng công nghiệp nào trước đây. Một ví dụ dễ hình dung là chỉ cần một năm thôi, AI đã xuất hiện trên tất cả câu chuyện của mọi người trên thế giới.
"Do đó, khi làn sóng này đang phát triển rất nhanh thì chúng ta cũng phải hành động rất nhanh", Chủ tịch Nvidia lưu ý.
Nvidia ra đời năm 1993 với tư cách là doanh nghiệp sản xuất card đồ họa dùng cho máy tính và hiện là một nhà tiên phong trong lĩnh vực tính toán tăng tốc. Hiện nay các bộ vi xử lý đồ họa GPU của Nvidia chiếm 80% thị phần trên thế giới, giúp Nvidia giữ thế độc quyền trong lĩnh vực này.
Tính đến thời điểm hiện tại, NVIDIA có hơn 27.000 nhân viên trên toàn cầu, với doanh thu đạt gần 27 tỷ USD. Với cơn sốt AI toàn cầu, NVIDIA đang tăng kế hoạch sản xuất chip AI cho năm 2024 lên hơn 3 lần và doanh thu của tập đoàn dự kiến còn tăng rất nhiều trong thời gian tới.