Chủ tịch VACC: Chủ đầu tư chậm trả tiền thì nhà thầu ‘chết’ chắc

Xây dựng BẤT ĐỘNG SẢN
06:00 - 24/03/2023
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng chủ đầu tư nợ tiền thi công dẫn đến nguy cơ phá sản của nhiều nhà thầu, khiến họ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, không làm thì không có việc nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn.

Thông tin được ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đưa ra tại Diễn đàn "Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững" chiều 23/3.

Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp xây dựng có mối liên quan chặt chẽ đến kinh doanh bất động sản. Những năm gần đây, hai ngành này chiếm khoảng 12% trong tổng số GDP của cả nước.

Theo ước tính của VACC, cả nước phải gần 10.000 doanh nghiệp làm về xây dựng, với đại đa số là các doanh nghiệp có vốn nhỏ. Chỉ có một vài doanh nghiệp có số vốn trên 2.000 tỷ đồng, nhiều công ty có “số má” trong ngành xây dựng cũng chỉ có vốn chỉ trên dưới 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng lại đang phải đối mặt với thách thức lớn trong năm 2023, có thể sang cả 2024.

“Xây dựng và bất động sản gắn bó hữu cơ với nhau nhưng từ giữa năm 2022, bất động sản đóng băng và tiếp tục sang năm 2023 vì nhiều lý do (lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng thị trường trái phiếu...), các chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng, không có tiền để thanh toán cho nhà thầu, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn gán nợ cho nhà thầu bằng sản phẩm nhà hoặc chây ì không thanh toán”, ông Hiệp cho biết.

Theo Chủ tịch VACC, hiện chỉ số ít nhà thầu đủ điều kiện tham gia các công trình vốn đầu tư công, còn các công ty chuyên về xây dựng dân dụng làm các công trình vốn ngoài ngân sách đang rất khó khăn cả về công việc và khả năng thanh toán. Hiện nay còn có tình trạng doanh nghiệp đấu thầu bằng mọi giá để có công ăn việc làm, từ đó dẫn đến việc càng làm càng lỗ.

“Các nhà thầu Việt Nam vốn nhỏ mà đặc điểm xây dựng là phải vay tiền ngân hàng ứng vốn làm trước rồi mới được chủ đầu tư thanh toán sau. Bởi vậy, nếu chủ đầu tư chậm trả thì nhà thầu ‘chết’ chắc. Vừa không có tiền trả vật tư, nhân công vừa phải lo lãi vay ngân hàng, nhất là giai đoạn lãi suất cao”, ông Hiệp nói.

Cần khung pháp lý bảo vệ quyền lợi nhà thầu

Trước thực trạng đó, ông Hiệp nêu quan điểm, để tái định vị giúp doanh nghiệp ngành xây dựng phát triển bền vững thì khâu đầu tiên cũng là khâu then chốt là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho nhà thầu trong quan hệ kinh tế với các chủ đầu tư.

Một số ý kiến cho rằng trong luật dân sự đã đề cập việc đến xử lý tranh chấp giữa các bên, tuy nhiên theo ông Hiệp, thực tế các hợp đồng xây dựng nếu chỉ giải quyết bằng luật dân sự thì luôn bị kéo dài cả chục năm mà vẫn không giải quyết được. VACC đã nhiều lần kiến nghị với các bộ chuyên ngành, Chính phủ, Quốc hội là cần đưa vấn đề này vào các luật chuyên ngành như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu để đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu.

Về phía doanh nghiệp, ông Hiệp cho rằng trước mắt, các nhà thầu xây dựng cần đánh giá lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023, xác định cụ thể định hướng trong bối cảnh bất động sản, tín dụng như hiện nay.

Ông lấy ví dụ Vinaconex là một công ty mạnh trong lĩnh vực xây dựng, những năm trước tham gia ở cả lĩnh vực đầu tư hoạt động tài chính và thi công xây lắp. Trong bối cảnh hiện nay, công ty đã tập trung vào mục tiêu xây lắp, trong đó chủ yếu là các dự án đầu tư công trọng điểm nên khả năng doanh thu 2023 vẫn có thể đạt tới 18.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ việc làm cho đơn vị.

“Trên cơ sở năng lực cụ thể, các doanh nghiệp xây dựng phải thực sự định vị lại thị trường, tái cấu trúc về cơ cấu sản phẩm, hoạt động kinh doanh để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Hiệp nêu khuyến nghị với các nhà thầu xây dựng.

Tin liên quan

Đọc tiếp