‘Khi thế giới thay đổi, Việt Nam không thể đứng yên’

DOANH NGHIỆP VCCI
16:42 - 23/03/2023
Bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam.
Bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới nhiều biến động, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần tái định vị để phát triển bền vững, qua việc thay đổi, nâng cao từ tầm nhìn, mục tiêu đến năng lực cốt lõi của mình.

Tại Diễn đàn "Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 23/3, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua những thay đổi lớn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 gây ra sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất kinh doanh và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Từ đó, chính sách của các quốc gia cũng có nhiều thay đổi.

Tiếp đó là những ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine, và gần đây là những biến động trên thị trường tài chính thế giới. Các “thành trì” tưởng như rất kiên cường, là điểm tựa để doanh nghiệp phát triển ổn định như ngân hàng cũng sụp đổ.

Tình hình khó khăn chung đã tác động rõ ràng đến hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Theo Chủ tịch VCCI, cả năm 2022 có 143.00 doanh nghiệp rời thị trường, 2 tháng đầu năm 2023 con số này là hơn 51.000. Trước Covid-19, mỗi năm chỉ 80-90.000 doanh nghiệp doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp phải thay đổi như thế nào để thích ứng, tồn tại? Theo ông Phạm Tấn Công, doanh nghiệp cần tái định vị từ tầm nhìn, từ mục tiêu phát triển đến phân khúc thị trường, yếu tố năng lực cạnh tranh cốt lõi, năng lực công nghệ, cung cách quản trị...

Đặc biệt, theo Chủ tịch VCCI, từ Đại hội XIII của Đảng, một giai đoạn mới bắt đầu. Theo mục tiêu phát triển, trong vòng chưa đầy 25 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại.

“Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải theo hướng đó, không phải phát triển chỉ để kiếm lợi nhuận mang về cho bản thân, mà cần phải phát triển bền vững, quan tâm đến các yếu tố xã hội, môi trường, quản trị doanh nghiệp; quan tâm đến đạo đức, văn hóa kinh doanh”, ông Phạm Tấn Công nói.

Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong giai đoạn mới, các cơ quan quản lý cũng cần định vị lại để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.

4 thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam

Nhận định nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra 4 thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Một là việc tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Hai là việc một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng để duy trì khả năng cạnh tranh.

Hai thách thức còn lại là vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trình độ/chất lượng kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm được cải thiện.

Để vượt qua các thách thức trên, bà Minh đề xuất các giải pháp tương ứng để doanh nghiệp tồn tại, phát triển bền vững.

Trước hết doanh nghiệp cần chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới. Chuyên gia dẫn thông tin từ EuroCharm cho biết, hầu hết hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chưa được nhận diện thương hiệu do các doanh nghiệp chưa ý thức được đúng tầm quan trọng của tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu hay tiêu chuẩn chất lượng. Điều này dẫn đến số lượng hàng hóa bị trả về còn cao, trong khi chưa đáp ứng được các quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam.

Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững. Cụ thể, Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển kỹ năng lao động gắn với số hóa, từ đó cải thiện năng suất lao động. Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua giảm phát thải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Điểm quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với doanh nghiệp cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Trong năm 2022, CIEM đã tham mưu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ Đề án Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Trong đó, một số trọng tâm quan trọng là thúc đẩy năng suất lao động gắn với chuyển đổi số, các sáng kiến liên kết vùng, và tạo động lực để chuyển khu vực phi kinh tế chính thức sang hoạt động chính thức. TS Trần Thị Hồng Minh

Không chỉ còn yêu cầu về năng suất và "làm sao để bán hàng"

Theo bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam, nếu trước đây, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến năng suất sản xuất và làm sao bán được hàng hóa ra thị trường thì ngày nay, một doanh nghiệp muốn phát triển và tăng trưởng bền vững cần quan tâm nhiều yếu tố hơn.

Đó là làm sao để sản xuất ra những sản phẩm tốt mà không tổn hại môi trường và xã hội, vi phạm những quy định của pháp luật; làm sao ứng dụng công nghệ tiên tiến một cách nhanh chóng để tối ưu hóa hiệu quả; làm sao để doanh nghiệp có đủ năng lực chống chọi với những biến động khôn lường của thế giới; làm sao để doanh nghiệp trở nên thu hút hơn trong mắt các nhà đầu tư...

Với những yếu tố đó, bà Nga cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng một môi trường mà trong đó:

Chính phủ có những hướng dẫn, định hướng cụ thể giúp doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái định vị hoạt động kinh doanh của họ thông qua đổi mới sáng tạo, để nắm bắt kịp thời những cơ hội mới; kịp thời cập nhật những điều chỉnh trong quy định và những thay đổi của toàn cầu đến doanh nghiệp địa phương.

Các tổ chức, các hiệp hội chung tay hỗ trợ Chính phủ trong việc cung cấp kiến thức đổi mới từng ngày cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm cùng những trường hợp đổi mới sáng tạo thành công trong nước và quốc tế.

Doanh nghiệp chủ động học hỏi, tìm tòi từ các hoạt động chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp, từ các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, những xu hướng kinh doanh, những yêu cầu mới của người tiêu dùng, các công nghệ tiên tiến...

Đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đã được chứng minh ở nhiều quốc gia là chất xúc tác giúp đổi mới sáng tạo thành công. Vậy nên, với những doanh nghiệp có tiềm lực, đây nên là hoạt động cần chú trọng.

Hoạt động đổi mới sáng tạo cần có lực lượng nhân sự nòng cốt với kiến thức và chuyên môn phù hợp. Do đó, doanh nghiệp cần tuyển lựa, tạo điều kiện và đào tạo để những nhân sự tiềm năng có thể được trau dồi và phát huy hết năng lực trong quá trình này.

Khi thế giới thay đổi, với tư cách là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động bậc nhất, có độ mở lớn và đã tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không thể đứng yên. Và chúng ta hoàn toàn có năng lực để thực hiện điều đó. Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp tận dụng tốt những lợi thế như vậy, nhanh chóng và tăng tốc hơn nữa thì có thể tạo ra nhiều giá trị lớn trong đổi mới sáng tạo”, bà Nga nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.