Chứng khoán Mỹ đỏ sàn, S&P 500 rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 482,57 điểm xuống 33.596,61 điểm. Có thời điểm trong phiên, Dow Jones mất hơn 700 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 1% xuống 4.304,76 và hiện đã tụt hơn 10% so với mức đỉnh thời đại, đồng nghĩa rơi vào vùng thị trường điều chỉnh. Nasdaq Composite cũng chìm trong sắc đỏ khi bốc hơi 1,2% xuống 13.381,52 điểm.
Dow Jones mất hơn 480 điểm trong phiên, tiếp tục lùi xa so với mức đỉnh thời đại (Ảnh: CNBC) |
Đà bán tháo đưa cả ba chỉ số lao dốc khi Tổng thống Joe Biden công bố hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào VEB, một ngân hàng phi lợi nhuận của Nga cũng như một số cá nhân giàu có liên quan đến ngân hàng này. Anh hiện cũng đang bắt đầu các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào 5 ngân hàng và 3 tài phiệt của Nga.
Động thái được Mỹ và Anh công bố một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở Ukraine, đồng thời ra lệnh cho các lực lượng quân sự Nga tiến vào hai khu vực này.
Tom Essaye, nhà sáng lập Sevens Report nhận định căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục ở mức cao sẽ là thách thức lớn với thị trường chứng khoán.
Tuần trước, Dow Jones giảm 1,9%, S&P 500 tụt 1,6% và Nasdaq Composite mất 1,8% khi căng thẳng địa chính trị ở Ukraine gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. Thêm vào đó, mối quan ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt đầy tính “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang FED cũng đẩy giá cổ phiếu xuống mức thấp hơn.
Các nhà giao dịch hiện đặt cược 100% khả năng FED tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 15-16/3 tới đây, theo công cụ FEDWatch của CME Group. Với kỳ vọng chính sách tiền tệ chuyển sang thắt chặt, hàng loạt cổ phiếu chịu tác động lớn bởi lãi suất như cổ phiếu công nghệ đang bị đặt dưới áp lực giảm.
Giá dầu áp sát mốc 100 USD/ thùng
Trong khi chứng khoán giảm mạnh, giá dầu thô lại tăng vọt do quan ngại căng thẳng Nga - Ukraine gây thêm áp lực cho nguồn cung dầu toàn cầu,đồng thời đưa Liên minh châu Âu (EU) đối diện với một cuộc khủng hoảng năng lượng. Năm 2021, Nga là nhà cung cấp dầu thô và khí đốt lớn nhất cho EU.
Kết thúc phiên giao dịch 22/2, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ tăng 1,4% lên 92,35 USD/ thùng. Có thời điểm trong phiên, dầu WTI vọt lên 96 USD/ thùng. Tương tự, giá dầu Brent chuẩn quốc tế có thời điểm đạt tới 99,50 USD, suýt phá mốc 100 USD/ thùng trước khi chốt phiên ở 96,84 USD/ thùng.
Giá dầu Brent có thời điểm vọt lên 99,5 USD/ thùng trước khi giảm nhẹ, giao dịch quanh mốc 96 USD/ thùng (Ảnh: AFP) |
Andy Lipow, chủ tịch Lipow Oil Associates nhận định giá dầu có thể tăng vọt lên 110 USD/ thùng nếu căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine trở nên tồi tệ hơn.
Ở một góc nhìn lạc quan, nếu Iran và các cường quốc của thế giới đạt được sự thống nhất nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, lệnh trừng phạt với Iran sẽ được dỡ bỏ và nguồn cung dầu từ quốc gia này sẽ tăng lên, bổ sung thêm cho thị trường khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, chưa rõ khi nào các bên đạt tới một thỏa thuận như vậy.