![]() |
Ảnh minh họa. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần thứ 4 tăng điểm liên tiếp, từ vùng giá 1.220 điểm. Trong tuần qua, VN-Index chịu áp lực bán mạnh trong phiên đầu tuần, trước thông tin áp thuế thép của Mỹ. Sau đó, chỉ số phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ 1.260 điểm và tăng điểm trở lại. Nổi bật là trong phiên cuối tuần khi đón nhận thông tin khá tích cực là Mỹ bắt đầu đàm phán với Nga về kết thúc chiến tranh Nga - Ukraine.
Kết tuần, VN-Index tăng 0,07% so với cuối tuần trước lên mức 1.276,08 điểm. Sự hồi phục ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành, nổi bật là nhóm viễn thông, khoáng sản, cao su, dệt may, dầu khí... Thanh khoản thị trường cũng cải thiện tốt với khối lượng giao dịch trên HoSE tăng 4,8% so với tuần trước, là tuần thứ 4 thanh khoản gia tăng, thể hiện dòng tiền đang cải thiện khá tốt.
Điểm trừ của thị trường vẫn là giao dịch khối ngoại, với tuần thứ hai bán ròng liên tiếp. Giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE trong tuần qua đạt hơn 1.800 tỷ đồng, giảm so với tuần trước đó (hơn 4.000 tỷ đồng). Cổ phiếu MWG bị bán ròng mạnh nhất với giá trị gần 480 tỷ đồng. Tiếp theo là VNM bị bán ròng hơn 420 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu OCB với giá trị hơn 96 tỷ đồng.
![]() |
Biến động chỉ số và các nhóm ngành trong tuần qua. Nguồn: SHS |
Dự báo về diễn biến thị trường tuần sau, Chứng khoán Vietcap cho rằng VN-Index sẽ tiếp cận trở lại vùng kháng cự 1.280 điểm, hỗ trợ trong phiên là vùng 1.270 điểm. Nếu áp lực bán quanh vùng 1.280 điểm diễn ra ở mức thấp và lành mạnh, VN-Index sẽ kiểm định trở lại ngưỡng 1.300 điểm trong thời gian tới.
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, xu hướng ngắn hạn của VN-Index là tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.260 điểm - tương ứng giá trung bình 200 phiên hiện nay. Chỉ số đang quay trở lại vùng giá 1.280 điểm - 1.300 điểm, cận trên của kênh giá tích lũy trung hạn 1.200 điểm - 1.300 điểm tích lũy kéo dài từ năm 2024 đến nay.
Ở thời điểm hiện tại, đơn vị phân tích cho rằng cần chờ xu hướng trung hạn thoát khỏi trạng thái tích lũy kéo dài hiện nay, dựa trên động lực mới của các yếu tố vĩ mô, doanh nghiệp... Điều này cũng phụ thuộc lớn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản - 2 nhóm có tỷ lệ vốn hóa cao trên thị trường hiện nay.
Theo SHS, số liệu kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2024 cho thấy các thông số cơ bản về hiệu quả kinh doanh của toàn thị trường như EPS, ROE, ROA, biên lợi nhuận... đều cải thiện, tăng trưởng. Hiện tại với hệ số P/B khoảng 1,8, P/E khoảng 14,3 và mức P/E dự phóng khoảng 11,9 là vẫn tương đối hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.
Về kỹ thuật, Chứng khoán SSI cho rằng VN-Index tạo khoảng tăng và có sự chững lại quanh vùng kháng cự 1.275 – 1.280 điểm. Động lượng ngắn hạn và MACD cùng duy trì tín hiệu khả quan. Quán tính tích cực vẫn đang chiếm ưu thế và VN-Index có thể thử thách trở lại khu vực 1.280 điểm. Vùng 1.270 điểm kỳ vọng sẽ nâng đỡ chỉ số trong các nhịp rung lắc.
![]() |
![]() |
![]() |