Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn giữa căng thẳng địa chính trị

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn giữa căng thẳng địa chính trị

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
12:39 - 23/03/2022
Khi chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh tác động của sự kiện địa chính trị này tới đà phục hồi kinh tế tại Việt Nam, trong đó chứng khoán vẫn được nhìn nhận là kênh đầu tư hấp dẫn.

Dù nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, giới chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng chiến sự ở Ukraine không tác động trực tiếp đáng kể đến nước ta thông qua cán cân thương mại, hệ thống tài chính và cả các thước đo vĩ mô như lạm phát.

Cụ thể, ước tính của Dragon Capital cho thấy kim ngạch thương mại của Việt Nam và Ukraine chỉ chiếm khoảng xấp xỉ 1% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Trong đó, 46% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga là các mặt hàng điện tử, điện thoại, thiết bị gia dụng; điều này hàm ý khối FDI là khối doanh nghiệp chịu tác động đáng kể hơn. Với doanh nghiệp trong nước, tác động chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp dệt may, giày dép, nông sản… nhưng không đáng quan ngại do tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này ước tính chỉ khoảng 1 tỷ USD.

Đồng quan điểm Việt Nam không chịu nhiều tác động trực tiếp từ chiến sự ở Ukraine, TS. Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) trong một tọa đàm hồi giữa tháng 3 cũng chỉ ra rằng quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Nga chỉ đạt khoảng 5,4 tỷ USD trong năm 2021. Còn với Ukraine, kim ngạch xuất khẩu với Việt Nam không đáng kể, không lớn 1 tỷ USD.

Quan ngại hơn về các tác động gián tiếp từ xung đột Nga - Ukraine đến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, bà Đặng Nguyệt Minh, chuyên gia nghiên cứu tại Dragon Capital cho hay: “Các tác động gián tiếp thông qua diễn biến giá cả hàng hóa thế giới là đáng quan tâm do Nga là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhiều mặt hàng năng lượng, lương thực thực phẩm và kim loại”.

Chẳng hạn, giá than hiện giao dịch ở mức cao gấp đôi so với đầu năm. Hay giá dầu có thời điểm tăng vượt 130 USD/ thùng trước khi về mức quanh 100 USD/ thùng vào thời điểm hiện tại.

Theo bà Đặng Nguyệt Minh, giá cả thế giới biến động như vậy tác động gián tiếp đáng kể đến cán cân thương mại và tình hình lạm phát tại Việt Nam.

Về cán cân thương mại, trong kịch bản mà Dragon Capital đưa ra, do Việt Nam là nước nhập khẩu ròng dầu khí, than, LNG nên mức giá thế giới tăng cao khiến Việt Nam mất thêm khoảng 2,5 tỷ USD cho nhập khẩu các mặt hàng này. Bù lại, Việt Nam thu về thêm khoảng 1,1 tỷ USD từ một số mặt hàng nông sản, thủy sản, gỗ… tăng giá. Như vậy, xét ảnh hưởng chung, Dragon Capital dự kiến căng thẳng ở Ukraine làm giảm thặng dư thương mại của Việt Nam khoảng 1,4 tỷ USD.

Về lạm phát, biến động giá thế giới đồng thời cũng làm tăng sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước. Tại Việt Nam, giá xăng dầu là mặt hàng gây biến động lớn nhất trong rổ hàng hóa đo lường lạm phát giá tiêu dùng những ngày gần đây.

Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu từ Dragon Capital, giá xăng dầu tăng dự kiến không làm chỉ số CPI tăng quá mạnh do CPI của Việt Nam được đo lường bởi một rổ các loại hàng hóa.

Tính riêng tháng 2, chi phí vận chuyển tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 10% vào mức tăng chung, tương đương kéo CPI cả nước lên 0,15%. Tuy nhiên, 2 mặt hàng có trọng số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI là giá gạo và giá thịt lợn vẫn đang bình ổn, một số nhóm hàng như y tế thậm chí giảm dẫn đến CPI tháng 2/2022 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số CPI lõi đã loại trừ giá thực phẩm, năng lượng và hàng hóa biến động chỉ tăng khoảng 0,7%.

Dự báo lạm phát CPI cả năm 2022, Dragon Capital đưa ra kịch bản cơ sở lạm phát ở mức 4,2% trong giả định giá dầu trung bình cả năm khoảng 110 USD/ thùng. Ngoài ra, trong kịch bản giá dầu trung bình năm ở mức 95 USD/ thùng, CPI dự kiến đạt 3,7% và với giá dầu ở mức 130 USD/ thùng, CPI có thể lên tới 5,3%.

Về tác động tới tăng trưởng GDP nói chung, Dragon Capital duy trì dự báo tăng trưởng GDP 7% trong năm nay. “Các yếu tố bất ổn từ bên ngoài chủ yếu ảnh hưởng đến kịch bản tăng trưởng tích cực, tức trong điều kiện tích cực thì trước đây tăng trưởng có thể đạt 9,5-10%, nay chỉ còn 8-8,5% chứ k ảnh hưởng lớn đến kịch bản cơ sở tăng trưởng 7%”, bà Nguyệt Minh nói thêm.

Lạm phát tại Việt Nam năm 2022 được dự báo vẫn trong tầm kiểm soát (Ảnh: Bloomberg)

Lạm phát tại Việt Nam năm 2022 được dự báo vẫn trong tầm kiểm soát (Ảnh: Bloomberg)

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm hồi giữa tháng 3, ông Bùi Minh Long, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư tại Quỹ Dragon Capital nhận định, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hứa hẹn đem lại mức sinh lời tiềm năng trong môi trường lạm phát và căng thẳng địa chính trị hiện tại.

Theo phân tích của vị chuyên gia này, vàng mặc dù là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời ổn trong lạm phát nhưng không phải là kênh đầu tư dài hạn tối ưu vì vàng là kênh trú ẩn, không mang lại giá trị gia tăng cho xã hội và không sinh lời đáng kể trong thời điểm không xảy ra các biến động lớn. Trong khi đó, kênh tiết kiệm ngân hàng dù an toàn nhưng không hấp dẫn do mặt bằng lãi suất thấp.

Còn theo bà Đặng Nguyệt Minh, dự báo của Dragon Capital về top 60 công ty niêm yết lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay cho thấy tăng trưởng lợi nhuận khoảng 22% và Forward P/E ở mức khoảng 12 lần. Đây được coi là mức tiềm năng và hấp dẫn bậc nhất so với các thị trường chứng khoán trong khu vực.

Xét chung toàn bộ thị trường, Dragon Capital nhận định lợi nhuận tại TTCK Việt Nam không chịu tác động lớn đáng kể từ căng thẳng địa chính trị do những ngành hưởng lợi từ giá cả thế giới tăng như dầu khí, phân bón, hóa chất, logistics… sẽ bù đắp gần như toàn bộ tác động tiêu cực lên một số ngành như hàng không, điện, thép xây dựng…

Như vậy, tăng trưởng chung của VN-Index vẫn được dẫn dắt bởi sự phục hồi lợi nhuận từ khối ngân hàng và bất động sản, cùng với đó là hàng loạt ngành có dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận 20-30% như bán lẻ, chứng khoán, phần mềm, vận tải…

Thêm vào đó, định giá P/E tương lai toàn thị trường đang ở mức 14.2 lần, tương đương với trung bình 10 năm gần nhất nhưng rẻ hơn khoảng 15% so với 5 năm gần nhất. Đồng thời, nền kinh tế trong nước hiện vẫn đang trong chu kỳ phục hồi với mức lãi suất ổn định; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán phát triển.

Đọc tiếp