TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Ảnh: Quách Sơn

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Mục tiêu 6,5% không dễ, nhưng vẫn có 'đòn bẩy' tăng trưởng

KINH TẾ Việt nAM
06:00 - 13/04/2023
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2023 không hề dễ dàng, nhất là trước tình hình biến động của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố ngày 11/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2023, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 vừa qua, với nhận định "ngày càng khó để nền kinh tế thế giới quay trở lại bắt kịp với đà tăng trưởng vốn chiếm ưu thế trong giai đoạn trước năm 2022".

Điểm tích cực, IMF bày tỏ lạc quan rằng triển vọng kinh tế của các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển nhìn chung cao hơn so với các nền kinh tế tiên tiến, khi tăng trưởng bình quân được dự đoán 3,9% trong năm 2023 và tăng lên 4,2% trong năm 2024.

Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023, Mekong ASEAN có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xoay quanh những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Bức tranh kinh tế quý 1/2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất, kiềm chế lạm phát. IMF mới đây dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trung bình 5 năm tới chỉ khoảng 3%, thấp nhất trong hơn 30 năm. Trong trung hạn, kinh tế khó lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch.

Trong bối cảnh đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Việt Nam đạt 3,32%, chỉ cao hơn mức 3,21% của quý 1/2020, song thấp hơn mức tăng trưởng quý 1 kể từ năm 2011 trở lại đây. Sở dĩ GDP đạt mức thấp do chịu nhiều tác động bất lợi từ tổng cầu thế giới trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới.

Tổng cầu trong nước cũng chưa được cải thiện, thể hiện qua chỉ tiêu tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và Chính phủ 3 tháng đầu năm chỉ tăng 3,01%, phù hợp với tình hình sản xuất và thu nhập của người dân sau khi trải qua đại dịch Covid-19 cũng như những bất ổn trên thị trường thế giới.

Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý đầu năm tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý 1 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - được coi là động lực tăng trưởng kinh tế lại ghi nhận giảm 0,37%.

Điểm sáng là khu vực dịch vụ trong quý 1/2023 tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung, thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3.

Một điểm đáng chú ý khác, trong quý đầu năm, những tác động bên ngoài làm xuất khẩu giảm 11,9%, nhập khẩu giảm 14,7% so với cùng kỳ. Việc nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, nhu cầu đối với các nguyên liệu sản xuất hiện nay không cao.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Phải nhấn mạnh, những trở lực với kinh tế thời gian tới là tương đối nhiều. Trước kia, khi tăng trưởng thấp, Việt Nam có thể tận dụng việc khai thác dầu mỏ, tận dụng dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ. Trong giai đoạn đó, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư công với tính đặc thù quý đầu phân bổ vốn đầu tư, quý 2 đấu thầu, giải ngân và hai quý cuối năm dốc toàn bộ nguồn lực để giải ngân.

Chưa kể, để đạt mục tiêu tăng trưởng, với việc quý 1/2023 GDP chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, 9 tháng còn lại, kinh tế Việt Nam cần phải tăng khoảng 7,5%, đây là con số không hề dễ dàng.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Phải nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 không hề dễ dàng, nhất là trước tình hình biến động, bất định của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Theo tôi, động lực đầu tiên là cải cách thể chế kinh tế, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch thông thoáng với những đột phá chiến lược ở từng lĩnh vực, địa phương sẽ là cú hích cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Động lực thứ hai, Việt Nam cần "nương" chắc vào tổng cầu trong nước, nhất là khi tổng cầu bên ngoài suy giảm, không thể dựa hoàn toàn vào xuất khẩu. Với thị trường tiêu thụ tiềm năng 100 triệu dân, cần có những chính sách kích cầu tiêu dùng.

Trong 3 tháng đầu năm, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam tăng cao, chỉ trong 3 tháng, Việt Nam đã đón được gần 3 triệu lượt khách quốc tế, cho thấy những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chỉ dựa vào du lịch để đạt được tăng trưởng cao về tổng cầu kinh tế e là khó. Chỉ riêng du lịch nội địa, việc "du lịch trả thù" sau thời gian dài siết chặt nhu cầu bởi đại dịch đã không còn tiếp diễn trong năm nay.

Mặt khác, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, tiêu dùng cuối cùng (tiêu dùng của hộ dân cư và Nhà nước) chỉ tăng 3,01%, cho thấy tổng cầu trong nước quý 1/2023 tăng rất thấp, dễ hiểu khi đời sống người dân ảnh hưởng nhiều qua 3 năm đại dịch.

Năm ngoái, Chính phủ chỉ đạo thực hiện triển khai chính sách giảm 2% thuế VAT, là giải pháp hiệu quả kích cầu tiêu dùng trong nước. Năm nay, khi tình hình sản xuất của doanh nghiệp vẫn khó khăn, đời sống người dân vẫn eo hẹp, Chính phủ có nên tiếp tục triển khai các biện pháp miễn, giảm, giãn, hoãn thuế nữa hay không, là điều cần cân nhắc.

Động lực thứ ba, theo tôi, đầu tư công vẫn cần là đầu tàu tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, là 'đòn bẩy' quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Năm 2023, Thủ tướng đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên 95% kế hoạch. Trong khi đó, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 là gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với 2022. Nếu khối lượng vốn này được bơm ra thị trường sẽ là động lực rất lớn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Theo tính toán, cứ 1% giải ngân đầu tư công năm nay cao hơn năm trước thì đóng góp vào tăng trưởng GDP 0,058 điểm phần trăm. Như vậy, nếu giải ngân được 95% kế hoạch nguồn vốn có thể thúc đẩy tăng trưởng 1,2-1,3% GDP, bù đắp lớn cho sự sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng tổng cầu thế giới.

Quý 1/2023, giải ngân đầu tư công đạt 13,4% kế hoạch cả năm với khối lượng thực hiện đạt trên 91,5 nghìn tỷ đồng là tương đối lớn, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương trong đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình.

Tuy nhiên, như Chính phủ đã nhìn nhận hàng loạt vướng mắc về thể chế, về giá thi công,... Gần đây, nhiều dự án phải tạm dừng hoặc thi công cầm chừng do đứt gãy nguồn cung vật liệu xây dựng (cát), vật liệu đắp nền (đất), dù nhà thầu, chủ đầu tư đã tìm nhiều cách xoay xở.

Chính phủ cần tìm cách tháo gỡ kịp thời, chẳng hạn, điều chỉnh trực tiếp giá đối với các dự án đã phê duyệt, mời thầu nhằm khuyến khích các đơn vị tiếp tục triển khai thi công.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Tương tự như tăng trưởng, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, bắt đầu từ năm 2014, cứ 3 năm thì lặp lại một lần (2014 - 2017 - 2020), chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý (CPI) tăng cao trong 3 tháng đầu năm, sau đó có xu hướng giảm dần cho đến cuối năm. Tuy nhiên quy luật này, theo tôi, không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại.

Nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài, khi giá cả trên thị trường thế giới tăng cao, việc nhập khẩu lạm phát là tất yếu. Chưa kể, với tỷ giá, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, có điều chỉnh tỷ giá trong biên độ cho phép, tuy nhiên, nếu lãi suất của Mỹ tiếp tục tăng, Việt Nam có đủ dư địa để giữ tỷ giá như thế hay không? Do đó, lạm phát thời gian tới chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố bên ngoài và chính sách tiền tệ của Mỹ.

Trong nước, việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công tổng cầu tăng đột biến ắt giá cả hàng hoá, nguyên, nhiên vật liệu cũng sẽ tăng, tác động đến lạm phát.

Ngoài ra, một loạt hàng hoá, dịch vụ chiến lược như xăng dầu, giá điện, giáo dục, y tế... có thể sẽ tiếp tục tăng và điều chỉnh tăng trong năm 2023. Trong khi đây đều là các mặt hàng quan trọng của nền kinh tế, sử dụng trong hầu hết các hoạt động sản xuất, tiêu dùng. Cùng với đó, quyết định tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 cũng sẽ tác động rất mạnh đến CPI.

Nói riêng về câu chuyện điều chỉnh giá bán lẻ điện, 5 năm nay không tăng, nhưng chi phí sản xuất hiện tăng rất cao. Nguyên nhân do tỷ lệ nhiệt điện đang chiếm rất lớn trong cơ cấu phát điện thương phẩm, trong khi giá than, khí tăng rất cao, khiến cho EVN lỗ khá nặng.

Mặt khác, biến đổi khí hậu sẽ tác động đến toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài vấn đề này. Hạn hán làm giảm sản lượng thuỷ điện, còn nắng nóng làm cho sức tiêu thụ điện tăng lên. Do đó, không thể không tăng giá điện.

Đọc tiếp