Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: TTXVN |
Ngày 30/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Nhật Bản (từ ngày 27 - 30/11), theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước có "ý nghĩa quan trọng, thành quả toàn diện, nội dung thực chất, chương trình phong phú".
Trước hết, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, là điểm nhấn nổi bật và quan trọng nhất trong chuỗi khoảng 500 sự kiện kỷ niệm trong suốt một năm vừa qua. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida họp báo sau hội đàm ở Phủ Thủ tướng Nhật Bản, ngày 27/11. Ảnh: TTXVN |
Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đạt kết quả quan trọng, trong đó dấu ấn nổi bật là việc hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới".
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định: "Việc nâng cấp phản ánh mức độ tin cậy chính trị cao và sự chín muồi của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, mở ra thời kỳ hợp tác mới thực chất và hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực, đáp ứng mong muốn, nhu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới".
Thông qua Tuyên bố chung và các cuộc trao đổi, hai bên đã đạt nhất trí cao về định hướng lớn, quan trọng trong thời gian tới, đã ký kết 5 văn kiện hợp tác trong chuyển đổi năng lượng, y tế, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, vệ tinh vũ trụ, di sản văn hóa.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân hội kiến Nhà vua Nhật Bản Naruhito và Hoàng hậu. Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng cũng cho biết, chương trình chuyến thăm Nhật Bản phong phú, toàn diện với gần 40 hoạt động chính, thể hiện sự tin cậy, gắn bó cao giữa lãnh đạo, người dân, địa phương hai nước.
Phía Nhật Bản đã dành cho Chủ tịch nước cùng phu nhân sự đón tiếp hết sức trọng thị, đặc biệt. Nhà vua, Hoàng hậu Nhật Bản đã chiêu đãi, trao đổi thân tình, trọng thị với Chủ tịch nước và phu nhân. Chủ tịch nước có nhiều cuộc trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo Hoàng gia, Chính phủ, Quốc hội và đông đảo các tổ chức kinh tế-xã hội, hội hữu nghị, các chính trị gia…; cùng lãnh đạo và bạn bè Nhật Bản dự kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tổ chức trọng thể tại Nhà khách Hoàng gia Minh Trị.
Chủ tịch nước phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: TTXVN |
Đặc biệt, Chủ tịch nước có bài phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản là điểm nhấn của chuyến thăm. Thông qua bài phát biểu, Chủ tịch nước đã truyền tải thông điệp tới lãnh đạo, người dân Nhật Bản về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển, về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển...
Về ưu tiên hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hai nước cần tập trung triển khai cụ thể khuôn khổ quan hệ mới Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong đó, hai nước tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao hàng năm bằng nhiều hình thức linh hoạt trên kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.
Việt Nam và Nhật Bản cần tăng cường liên kết kinh tế; thúc đẩy hợp tác đảm bảo thịnh vượng, an ninh kinh tế. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; tiếp tục cung cấp cho Việt Nam ODA thế hệ mới.
Nhật Bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản; đẩy mạnh triển khai dự án đầu tư quy mô lớn, chất lượng cao tại Việt Nam, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro và Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa. Ảnh: TTXVN |
Hai nước thúc đẩy mở rộng hợp tác trong lĩnh vực mới như bán dẫn, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả các cam kết, trong đó có việc giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hai nước tăng cường kết nối nguồn nhân lực, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, tạo sự hiểu biết, tin cậy, hợp tác hiệu quả, thực chất. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo cán bộ cấp chiến lược.
Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, Mekong, APEC...
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ tin tưởng rằng, với khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ phát triển mạnh mẽ, thực chất trên tất cả lĩnh vực, nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên hợp tác nói trên, đáp ứng lợi ích của hai bên và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.