Hội thảo công bố "Báo cáo về Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành" sáng 3/11. Ảnh: Thu Thảo. |
Sáng 3/11, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan Việt Nam đã tổ chức hội thảo công bố "Báo cáo về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành".
Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) của Việt Nam cho phép doanh nghiệp cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan Nhà nước trên một nền tảng duy nhất, hợp lý hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Tính đến ngày 17/10/2022, cơ chế một cửa đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 DN.
Hơn 3000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia khảo sát
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả khảo sát.
Hai nội dung chính của báo cáo gồm khảo sát việc thực hiện 12 thủ tục hành chính của 5 bộ, ngành đang được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Và báo cáo về thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành, được khảo sát chung với các thủ tục của 10 bộ quản lý chuyên ngành.
Ông Phạm Ngọc Thạch cho biết, kết quả báo cáo được tập hợp dựa trên ý kiến phản hồi của 3.048 doanh nghiệp đang có các hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, logistics...và 46 cơ quan, bộ ngành liên quan.
Việc khảo sát là một nỗ lực nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của NSW trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cũng như giảm thiểu gánh nặng không cần thiết trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, từ đó tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam.
Báo cáo lần này không chỉ phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia, quản lý kiểm tra chuyên ngành, mà còn cung cấp các ý kiến đề xuất từ chính các bộ ngành, cơ quan Nhà nước có liên quan. Đấy là cơ sở để các cơ quan Nhà nước hoàn thiện hơn nữa cơ chế chính sách, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ ngành, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Một số chỉ số nổi bật từ báo cáo
Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 10/12 thủ tục khi được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đã giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 26-54% so với phương thức truyền thống là đến nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan Nhà nước.
Đặc biệt, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất công nghiệp giảm hơn một nửa thời gian khi được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Trái lại, thời gian thực hiện hai nhóm thủ tục hành chính về nhập khẩu trang thiết bị y tế và sản phẩm mỹ phẩm lại có thời gian thực hiện thủ tục tăng từ 15-17% so với quy trình làm thủ tục theo hình thức truyền thống.
Về chi phí thực hiện thủ tục. Kết quả khảo sát nhận định, khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia sẽ giảm đáng kể về thời gian, chi phí so với phương thức truyền thống là nộp hồ sơ giấy trực tiếp.
Có 10/12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia, chi phí thực hiện thủ tục giảm từ 148.000 đồng/thủ tục đến 3.845.000 đồng/thủ tục. Trong đó, thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế giảm nhiều chi phí nhất.
Thủ tục cấp xuất xứ C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) giảm thời gian thực hiện 10 giờ, chi phí giảm 666.000 đồng.
Thủ tục nhập khẩu tiền chất công nghiệp giảm thời gian thực hiện 22 giờ, chi phí giảm 735.000 đồng. Thủ tục nhập khẩu xe cơ giới giảm thời gian thực hiện 17 giờ, chi phí giảm 706.000 đồng.
Tương tự, thời gian kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu giảm 11 giờ, chi phí giảm 533.000 đồng. Thời gian thực hiện thủ tục tàu biển xuất cảnh giảm 5 giờ, chi phí giảm 3.845.000 đồng…
Nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn
Mặt khác, kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có đánh giá tích cực đối với những thay đổi giữa thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia và phương thức truyền thống cũng giảm so với năm 2019.
Đánh giá về sự "minh bạch trong theo dõi tiến độ giải quyết", là hạng mục có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực giảm nhiều nhất, tới 14% (từ 82% năm 2019 xuống còn 68% năm 2022).
Tỷ lệ đánh giá tích cực về "biểu mẫu tờ khai rõ ràng", giảm 12%, về "giảm lượng giấy tờ phải nộp", giảm 8% và "giải đáp thắc mắc" giảm 8%.
Mức độ thuận lợi về thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa chỉ được các doanh nghiệp đánh giá ở mức trung bình, khi mà khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong tuân thủ thủ tục này vẫn khá phổ biến, báo cáo nhận định.
Theo đó, có 58,92% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ gặp phải ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ thủ tục. 39% doanh nghiệp cho rằng nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp là khó khăn thường gặp nhất.
12% doanh nghiệp đánh giá "thái độ không đúng mực của công chức" là lý do gây trở ngại cho họ khi tuân thủ.
Bên cạnh đó, tình trạng trả chi phí ngoài quy định vẫn là vấn đề đáng quan ngại.
Chỉ có 59,1% doanh nghiệp được hỏi cho biết không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Có 35,8% doanh nghiệp được hỏi không muốn cung cấp thông tin và 5,1% doanh nghiệp thừa nhận đã từng thực hiện hành vi này.
Những lý do doanh nghiệp đưa ra về việc thường xuyên phải trả chi phí không chính thức là vì lo bị kéo dài thời gian làm thủ tục; lo bị gây khó dễ cho những lần làm thủ tục sau và lo bị yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định.
Phó Trưởng ban Pháp chế (VCCI) Phạm Ngọc Thạch cho biết: Nhìn chung mức độ cải thiện tương đối tốt nhưng chưa đồng đều giữa các thủ tục khác nhau liên quan đến bộ ngành khác nhau. Các doanh nghiệp tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng NSW và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, để nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa và áp dụng số hóa triệt để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
"Việc sớm có quy chế kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp giảm gánh nặng yêu cầu thông tin không cần thiết đối với các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu"
Ông Bradley Bessire, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam cũng nhận định: USAID tin rằng đối thoại giữa các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng. Sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước với khu vực tư nhân sẽ mang lại sự minh bạch và các cải cách hiệu quả hơn. Nếu được thực hiện, các kết quả của cuộc khảo sát sẽ giúp đẩy mạnh cải cách hơn nữa ngành hải quan.
Dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin lĩnh vực xuất nhập khẩu
Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá, vẫn tồn tại khó khăn, bất cập trong thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh như: thông tin manh mún, trì hoãn kết nối, thông tin vừa trùng lặp, lại vừa thiếu...
Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, thời lượng thực hiện thủ tục hành chính và ảnh hưởng đến việc ra quyết định quản lý của doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử.
Các đại biểu cho rằng, vì những khó khăn như vậy, việc xây dựng một dự thảo Nghị định về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia để phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa - là cần thiết.
Ông Vũ Ngọc Anh, chuyên gia Dự án tạo thuận lợi trong thương mại tự do USAID đánh giá, dự thảo Nghị định này sẽ bổ sung cho các nội dung tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định về việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, Cơ chế một cửa ASEAN; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; quản lý, vận hành, trao đổi và chia sẻ dữ liệu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
“So với Nghị định 85, mục đích của việc chia sẻ, cung cấp thông tin trong dự thảo Nghị định lần này rộng hơn rất nhiều. Bên cạnh các thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dự thảo còn xác định rõ thông tin phục vụ quản lý Nhà nước và thông tin phục vụ công tác thực thi pháp luật tại biên giới”, ông Vũ Ngọc Anh chia sẻ.
Dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia đang được Bộ Tài chính chịu trách nhiệm soạn thảo.
Các hiệp hội, doanh nghiệp thuộc đối tượng kết nối, chia sẻ thông tin gồm: các hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng; doanh nghiệp xuất nhập khẩu; doanh nghiệp vận tải, logistics; đại lý hải quan; doanh nghiệp bảo hiểm; doanh nghiệp vận hành sàn thương mại điện tử.
Hiện dự thảo Nghị định vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp xây dựng từ phía các hiệp hội, doanh nghiệp trong các lĩnh vực nêu trên.
Cơ chế một cửa quốc gia cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý Nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp (Điều 4, Luật Hải quan năm 2014).
Cơ chế một cửa ASEAN là một môi trường trong đó các Cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và tích hợp với nhau.