Sáng 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dữ liệu.
Tình trạng lộ lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ) cho biết, thực tế hiện nay, nhiều dữ liệu được lưu trữ, thu thập chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu, gây khó khăn cho kết nối, chia sẻ và khai thác. Một số trung tâm dữ liệu được đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm an ninh an toàn hệ thống.
Đại biểu chỉ ra rằng, tình trạng lộ lọt dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư đang ngày càng gia tăng, đòi hỏi cần phải có những quy định cụ thể để bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật để bảo đảm thông tin dữ liệu. Cùng với đó, cần có chế tài mạnh xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị rò rỉ, bị đánh cắp do sơ xuất trong quá trình đó.
Nghiên cứu, bổ sung các hành vi, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo
Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đề xuất rằng cần rà soát nghiên cứu bổ sung thêm các hành vi, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo có thể phát sinh trong tương lai, trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến phát triển ngày càng đa dạng, thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó lường.
“Bản thân tôi trong thời gian qua gặp rất nhiều cuộc gọi lừa đảo. Không hiểu vì sao đối tượng có đầy đủ số điện thoại, công việc, chức vụ của tôi để đe dọa nhiều lần. Thậm chí, ngay việc thanh toán trực tuyến tiền điện, nước cho bố mẹ tôi mà đối tượng cũng tận dụng để lừa đảo… Rõ ràng dữ liệu cá nhân một cách rất cụ thể của tôi đã bị lộ lọt,” đại biểu chia sẻ.
Đóng góp ý kiến về sàn giao dịch dữ liệu, đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng, khi dữ liệu được đưa lên sàn giao dịch với tính chất là một loại hàng hoá đặc biệt, đầu vào từ nhiều nguồn khác nhau, tức nghĩa là nó có mục đích thương mại. Ông nhấn mạnh rằng thông tin được đưa lên sàn phải quan trọng, đầy đủ, chính xác, hình thành thị trường tiềm năng dự kiến phát triển mạnh trong tương lai.
“Để sàn giao dịch dữ liệu đảm bảo sự an toàn, phát triển bền vững, cần bổ sung quy định giao chính phủ quy định chi tiết vì đây là vấn đề mới,” đại biểu nêu ý kiến.
Đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản luật
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) góp ý về điểm b, khoản 4, Điều 21 về công khai dữ liệu quy định: “Dữ liệu được công khai có điều kiện gồm: dữ liệu liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được công khai trong trường hợp được người đó đồng ý; dữ liệu liên quan đến bí mật gia đình được công khai trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý”.
“Tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ thế nào là bí mật đời sống riêng tư, đồng thời cân nhắc quy định về bí mật đời sống riêng tư,” đại biểu Tiến nói. Ông đồng thời chỉ ra rằng, hiện nay pháp luật chỉ quy định về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Việc thu thập lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc lưu giữ sử dụng công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên của gia đình đồng ý".
“Vì thế, cơ quan soạn thảo cần rà soát điểm b, khoản 4, Điều 21 của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất đối với các quy định của pháp luật hiện hành,” đại biểu nêu ý kiến.