Cổ phiếu Grab giảm gần 40% sau khi báo lỗ hơn 1 tỷ USD

Cổ Phiếu GRAB
15:21 - 04/03/2022
Một người chạy GrabFood ở Kuala Lumpur. Grab đặt mục tiêu bắt đầu kinh doanh ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore và tiếp tục theo đuổi cơ hội giao hàng theo yêu cầu. Ảnh: Reuters
Một người chạy GrabFood ở Kuala Lumpur. Grab đặt mục tiêu bắt đầu kinh doanh ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore và tiếp tục theo đuổi cơ hội giao hàng theo yêu cầu. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Grab, gã khổng lồ gọi xe và giao hàng Đông Nam Á đã báo cáo khoản lỗ ròng hơn 1 tỷ USD trong quý IV/2021 do đầu tư vào nhiều mảng. Điều này cho thấy lợi nhuận vẫn là một thách thức chính đối với Grab khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt.

Theo kết quả báo cáo kinh doanh quý đầu tiên được công bố kể từ sau khi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq vào tháng 12/2021, công ty Grab hôm 3/3 đã báo cáo khoản lỗ ròng 1,055 tỷ USD, tăng từ mức lỗ 576 triệu USD một năm trước đó.

Với kết quả này, mức lỗ ròng cả năm 2021 của Grab lên tới 3,4 tỷ USD, nhiều hơn so với khoản lỗ 2,6 tỷ USD trong năm 2020. Ngay sau khi báo cáo được công bố, giá cổ phiếu Grab đã giảm 37% trong phiên giao dịch ngày 3/3 tại Mỹ.

Các mảng kinh doanh cốt lõi của Grab bao gồm đặt xe, giao đồ ăn và hàng hóa cũng như các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Công ty hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á, gồm Singapore, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Campuchia và Myanmar. Grab trở thành một trong những công ty khởi nghiệp nổi bật nhất trong khu vực cùng với các công ty công nghệ khác là Sea (Singapore) và GoTo (Indonesia).

Cổ phiếu Grab lao dốc kể từ khi niêm yết vào tháng 12/2021. Dữ liệu đến ngày 3/3. Nguồn: Refinitiv/Nikkei

Cổ phiếu Grab lao dốc kể từ khi niêm yết vào tháng 12/2021. Dữ liệu đến ngày 3/3.

Nguồn: Refinitiv/Nikkei

Grab cho biết tổng giá trị hàng hóa (GMV), tổng giá trị giao dịch từ các dịch vụ, tăng 26% lên 4,5 tỷ USD trong quý IV/2021. Trong khi GMV đối với dịch vụ gọi xe giảm 11% do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì con số này đối với mảng giao hàng lại tăng 52%.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của GMV đi kèm với mức chi tiêu lớn cho các ưu đãi. Kết quả, doanh thu trong quý IV đã giảm 44% so với cùng kỳ, xuống còn 122 triệu USD.

Đại diện công ty cho biết: "Grab đã đầu tư trước để tăng thêm số lượng tài xế, nhằm hỗ trợ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu di chuyển. Sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng giúp mảng gọi xe và giao hàng tăng lên khi Grab đầu tư vào thị phần danh mục chính".

Các gói ưu đãi dành cho người tiêu dùng, bao gồm các chương trình giảm giá và khuyến mãi, đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 365 triệu USD trong quý IV/2021.

Trong một báo cáo tuần trước từ Tập đoàn DBS Group Holdings của Singapore cho biết, Grab đã cung cấp các ưu đãi hào phóng cho tài xế và chiết khấu cho người tiêu dùng kể từ đầu năm 2022, nhằm cạnh tranh trực tiếp vào mảng kinh doanh gọi xe của đối thủ GoTo tại Singapore.

"Các chương trình khuyến mãi với mảng gọi xe của Grab có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng. Điều này cho thấy Grab đang đánh mất thị phần giao hàng tại Indonesia vào tay đối thủ công nghệ trong khu vực là Sea", báo cáo cho biết.

Cải thiện khả năng sinh lời là rất quan trọng đối với công ty, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ, dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ toàn cầu gần đây.

Việc niêm yết Nasdaq của Grab, đạt được thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), đã thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư, đặc biệt là khi các công ty công nghệ Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức về quy định trong nước.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu Grab đã lao dốc kể từ thời điểm đó. Giá trị vốn hóa thị trường của Grab tính đến ngày 2/3 là khoảng 20 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với giá trị dự kiến trước khi niêm yết.

Sắp tới, năm 2022 sẽ là "một năm khởi đầu khác đối với Grab", Giám đốc điều hành Anthony Tan phát biểu trên webcast hôm 3/3. Ông cho biết công ty đặt mục tiêu bắt đầu kinh doanh mảng ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore và tiếp tục theo đuổi cơ hội trong phân khúc giao hàng theo yêu cầu. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc phục hồi tính lưu động của công ty", CEO Grab chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.