Kết quả này giúp giá trị vốn hóa của "vua thép" Hòa Phát tăng thêm 48.263 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), trở lại mốc trên 118.600 tỷ đồng. |
Thị trường chứng khoán vừa kết tuần với một phiên giao dịch đầy biến động. VN-Index liên tục rung lắc quanh tham chiếu. Trong khi nhiều nhóm cổ phiếu như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí... đã có dấu hiệu chững lại trước áp lực chốt lời, cổ phiếu thép và hàng không vẫn tiếp tục đà tăng ấn tượng bất chấp thị trường chung không thật sự thuận lợi.
Ngành thép dậy sóng, Hòa Phát lấy lại 2 tỷ USD vốn hóa
Chốt phiên 16/12, các cổ phiếu thép như HSG, NKG, SMC, POM đồng loạt tăng kịch biên độ trong tình trạng “trắng bên bán”, thậm chí dư mua giá trần hàng triệu đơn vị. Hai “ông lớn” khác của ngành là HPG, TVN cũng tăng rất mạnh, lần lượt 5,4% và 7,7%.
Với phiên đồng khởi bứt phá, nhóm cổ phiếu thép đã nối dài đà hồi phục từ đáy hồi giữa tháng 11. HPG (+67%), HSG (+84%), NKG (+90,5 %), SMC (+56%), POM (+56%),... đều đã tăng hàng chục % trong một tháng trở lại đây. Riêng “anh cả” HPG đã leo lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng qua.
Kết quả này giúp giá trị vốn hóa của "vua thép" Hòa Phát tăng thêm 48.263 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), trở lại mốc trên 118.600 tỷ đồng. Con số này đủ để đưa Hòa Phát trở lại top 10 doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất sàn HoSE. Tuy nhiên, quy mô vốn hóa này vẫn chưa bằng phân nửa so với với đỉnh hồi tháng 10/2021.
Đà đi lên ấn tượng của cổ phiếu thép diễn ra sau khi nhóm cổ phiếu này bị chiết khấu mạnh, thị giá nhiều mã xuống dưới giá trị sổ sách, thậm chí P/B của HPG còn rơi xuống dưới 1. Định giá rẻ là một trong những động lực thúc đẩy dòng tiền bắt đáy nhập cuộc.
Bên cạnh đó, nhóm thép còn được hỗ trợ bởi một số thông tin tích cực như việc giá thép thế giới đảo chiều tăng mạnh từ đáy trong khi giá than và giá quặng sắt được dự báo giảm mạnh trong thời gian tới.
Giá thép thế giới tăng mạnh kể từ cuối tháng 10 đến nay. Ảnh: Tradingeconomics |
Theo báo cáo mới nhất của VNDirect, giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn của năm 2022 xuống lần lượt 258-220 USD/tấn trong năm 2023-24 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại, giá quặng sắt cũng sẽ giảm dần trong dài hạn từ mức trung bình 110 USD/tấn trong năm 2022 xuống lần lượt 90-70 USD/tấn trong năm 2023-24.
Một yếu tố hỗ trợ khác là việc Trung Quốc - nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới - bắt đầu nới lỏng chính sách chống dịch Covid-19, kỳ vọng các hoạt động xây dựng trở lại mạnh hơn.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các công ty thép sẽ phục hồi từ quý 4 khi hầu hết hàng tồn kho giá cao đã được ghi nhận vào giá vốn hàng bán của quý trước đó. Điều này sẽ làm giảm rủi ro từ việc trích lập giảm giá hàng tồn kho. Do vậy, lợi nhuận ngành thép sẽ sớm chạm đáy, dù tốc độ phục hồi sẽ khá chậm do nhu cầu yếu.
Cổ phiếu hàng không bay cao
Bên cạnh ngành thép, cổ phiếu hàng không cũng đồng loạt tăng cao trong thời gian vừa qua, trong đó nổi bật nhất là mã HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Cổ phiếu HVN tăng mạnh từ đáy. Ảnh: Tradingview |
HVN tăng mạnh trong cả năm phiên tuần này trong đó có đến 2 phiên tăng kịch biên độ. Phiên cuối tuần, cổ phiếu này tăng tới 6% lên mức 15.100 đồng/CP, cao nhất kể từ tháng 9. Tính rộng hơn kể từ đáy phiên 15/11, HVN đã tăng hơn 75%, vốn hóa từ đó cũng phục hồi hơn 18.000 tỷ đồng lên 33.400 tỷ.
Cổ phiếu VJC của Vietjet Air, hãng hàng không duy nhất nằm trong nhóm VN30 cũng tăng điểm liên tiếp bốn phiên lên ngưỡng 113.000 đồng/CP, tăng 15% so với đáy ngắn hạn trong một tháng qua và giúp vốn hóa doanh nghiệp hồi phục hơn 7.800 tỷ đồng.
Mã ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, đơn vị vận hành 22 sân bay trong nước, cũng tăng lên mức 85.000 đồng/CP để quay trở lại vùng giá trung tuần tháng 9.
Cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp phụ trợ hàng không như AST – Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco, SAS – Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, SGN – Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn... đều giao dịch tích cực trong tuần qua.
Cổ phiếu hàng không tăng mạnh trong bối cảnh Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vừa nới lỏng chính sách "zero Covid" và một số hãng hàng không như Vietnam Airlines, Bamboo Airways thông báo mở lại đường bay với các thành phố của nước này.
Trong báo cáo vĩ mô công bố đầu tháng 12, nhóm chuyên gia của VNDirect cho rằng yếu tố tiêu cực nhất đối với sự phục hồi dịch của du lịch và hàng không Việt Nam là chính sách "zero Covid" được Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt trong suốt gần ba năm qua.
Khách Trung Quốc từng chiếm gần 35% tổng lượng khách đến Việt Nam trước khi dịch bệnh bùng phát. Nhóm chuyên gia ước tính khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch, lượng khách nước này đến Việt Nam sẽ phục hồi khoảng 20% vào quý đầu năm 2023 và trở lại mức bình thường sau đó một năm.