Ảnh minh họa |
Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,1 triệu đồng/tháng, gấp 1,37 lần của lao động nữ (5,9 triệu đồng/tháng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,6 triệu đồng/tháng, gấp 1,39 lần khu vực nông thôn (6,2 triệu đồng/tháng).
Báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) nhận định, những con số về tăng trưởng thu nhập của người lao động quý 3 năm nay được cải thiện, dù tốc độ có chậm lại. Trong quý 3/2022 thị trường lao động ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân 30,1% so với quý 3/2021, nhưng tới quý 3/2023, thu nhập bình quân của lao động chỉ tăng 5,3%.
Tính chung 9 tháng năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7 triệu đồng, tăng 6,8%, tương ứng tăng 451.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của ngành khai khoáng tăng tới 11%
Thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý 3 tại cả ba khu vực kinh tế đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực dịch vụ ghi nhận tốc độ tăng cao nhất, tăng 6% (tương ứng tăng 478.000 đồng), đạt 8,4 triệu đồng.
Mức thu nhập bình quân tại khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng, tăng 3,4% (tương ứng là 262.000 đồng); tại khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản là 4,1 triệu đồng, tăng 5%, (tương ứng tăng 197.000 đồng)
Nếu xét trên các ngành kinh tế, mức tăng đến từ hầu hết các ngành kinh tế. Trong đó, tăng trưởng cao nhất thuộc về ngành khai khoáng, tăng 11%, tương ứng tăng 1,03 triệu đồng lên 10,4 triệu đồng/tháng.
Kế đó là ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, tăng 7,5% (tương ứng tăng 485.000 đồng), đạt 6,9 triệu đồng; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe gắn máy là 8,2 triệu đồng, tăng 6,4%, (tương ứng là gần 500.000 đồng); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 7,8 triệu đồng, tăng 3,6% (tương ứng tăng 274.000 đồng).
Tất cả các vùng kinh tế - xã hội của cả nước đều ghi nhận mức tăng thu nhập bình quân. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng cao nhất, đạt 8,4 triệu đồng, tăng 6,1% (tương ứng tăng 485.000 đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Thái Nguyên là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất trong vùng, tăng 15,6% (tương ứng tăng 979.000 đồng) đạt 7,3 triệu đồng. Kế đó là TP Hà Nội với mức tăng 9,7% (tương ứng tăng 873.000 đồng) lên 9,9 triệu đồng. Riêng tại Bắc Ninh, thu nhập bình quân của lao động giảm 3,8% (tương ứng giảm 328.000 đồng).
Ngược lại, mức tăng trưởng thấp nhất là tại vùng Đông Nam Bộ, đạt 8,8 triệu đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động làm việc tại TP HCM là 9,3 triệu đồng, tăng 0,6% (tăng 56.000 đồng); tại Đồng Nai là 8,7 triệu đồng, tăng 1,8% (tăng 155.000 đồng).
Đông Nam Bộ là khu vực có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, biến động tình hình kinh tế, địa chính trị trên thế giới đã làm tổng cầu hàng hóa sụt giảm, đặc biệt tại các thị trường lớn, khiến doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Tuy nhiên, do đặc trưng của thị trường lao động Việt Nam có tỷ lệ phi chính thức cao nên mặc dù có một số doanh nghiệp cắt giảm hoặc giãn, hoãn lao động nhưng tỷ lệ thất nghiệp chung biến động không nhiều so với quý trước, cơ quan này nhận định.
Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3/2023 khoảng 1,08 triệu người, tăng 6.300 người so với quý 2 và 22.100 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,3%, không thay đổi so với quý 2/2023 và tăng 0,02 điểm phần trăm so với quý 3/2022.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, lần lượt là 2,87% và 3,08%.
Tỷ lệ thất nghiệp tại hai thành phố lớn nhất cả nước trong quý 3/2023 có sự chênh lệch rõ rệt, khi tại TP HCM là 3,69%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước thì tại Hà Nội, tỷ lệ này là 0,97%, giảm 0,26 điểm phần trăm.
Số lao động bị mất việc trong quý 3 năm 2023 là 118.400 người, giảm 99.400 người so với quý trước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, đặc biệt, ở hai tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương (khoảng 33.600 người) và TP HCM (khoảng 34.600 người).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động.
Cụ thể, tập trung vào các chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm như trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; các chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm; hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động…
Các địa phương cũng tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội.