Bộ thành bậc điện Kính Thiên thế kỷ 17 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận 27 bảo vật quốc gia . Trong đó có bộ thành bậc điện Kính Thiên thế kỷ 17, hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện đời vua Lê Thánh Tông. Thềm bậc điện Kính Thiên là di tích hiếm còn sót lại trong kiến trúc hoàng cung thời Lê.
Đợt này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn có nhiều hiện vật khác được công nhận bảo vật quốc gia, gồm đầu rồng thời Trần thế kỷ 13; bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ thế kỷ 15-16; súng thần công thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17; tượng An Dương Vương năm 1897 đang thờ tại di tích Cổ Loa.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có 2 hiện vật là kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 57 (1796); tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Đây được coi là bức tượng Bác Hồ đầu tiên do nữ điêu khắc gia đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Kim sáng tác.
Bắc Ninh có 3 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia là thạp đồng văn hóa Đông Sơn có niên đại cách nay 2.200-2.300 năm; bia đá chùa Tĩnh Lự dựng năm 1648; tượng Quan thế âm chùa Cung Kiệm chế tác năm 1449.
Hà Nam có 2 hiện vật là trống đồng Tiên Nội 1 thuộc văn hóa Đông Sơn; bia chùa Giàu (Ngô gia thị bi) dựng năm 1366.
Bộ sưu tập tư nhân của ông Nguyễn Văn Kính (Hà Nội) có hai hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia là trống đồng Kính Hoa II niên đại thế kỷ 2-1 trước Công nguyên; thạp đồng Kính Hoa niên đại thế kỷ 3-2 trước Công nguyên.
Bộ sưu tập tư nhân An Biên (Hải Phòng) có 4 hiện vật được công nhận bảo vật, gồm: Hai chiếc đĩa gốm men ngọc thời Lý, thế kỷ 11-12; đĩa gốm men lam tím thời Lê sơ, thế kỷ 15; lư hương gốm hoa lam thời Lê sơ, thế kỷ 15; hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, thế kỷ 16-17.
Ngoài ra, còn nhiều hiện vật khác được công nhận là bảo vật quốc gia gồm bộ sưu tập vũ khí trường Giảng Võ thế kỷ 15-18, tại Bảo tàng Hà Nội; bộ sưu tập đàn đá Bình Đa cách nay 3.000 năm (Đồng Nai); Mukhalinga Ba Thê, thế kỷ 6 (An Giang); cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn nửa sau thế kỷ 12 (Bình Định); chuông chùa Rối cuối thế kỷ 14 (Hà Tĩnh); bệ thờ đất nung đền An Xá (Hưng Yên); bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Phổ Minh (tỉnh Nam Định); xe tăng T59 số hiệu 377, năm 1972 (Kon Tum); bộ sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê, niên đại 800.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.