CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) là công ty con của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), được thành lập từ cuối năm 2004, chuyển đổi từ Trung tâm dịch vụ Hàng không, thuộc Cụm cảng hàng không Miền Nam. Chức năng chính của công ty là cung cấp các loại hình dịch vụ phục vụ mặt đất.
Năm 2014, SAGS được cổ phần hóa và chính thức đi vào hoạt động với tên gọi CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn với vốn điều lệ là 140 tỷ đồng.
SASG đang hoạt động chính tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh, cung cấp các dịch vụ hàng không bao gồm thủ tục hàng không, hành lý, kỹ thuật sân đỗ máy bay. Ngoài ra, đơn vị này còn cung cấp các dịch vụ phi hàng không như huấn luyện, đào tạo chuyên ngành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị chuyên ngành, công nghệ thông tin chuyên ngành…
Trong 9 năm kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty này luôn ghi nhận có lãi ngay cả trong lúc đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành hàng không.
Năm 2022 là năm phục hồi đầy ngoạn mục của công ty khi tăng trưởng được tính bằng lần so với năm 2021. Kết thúc năm tài chính 2022, CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần 995 tỷ đồng, tăng gấp 2,03 lần so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Đây là mức lãi khá ấn tượng so với các công ty lớn cùng ngành như TASCO (33 tỷ đồng), SASCO (210 tỷ đồng),…
Công ty cũng cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn khách quốc tế trong năm 2022 nhưng công ty đã thành công ký hợp đồng phục vụ mặt đất với một số hãng quốc tế mới như Air Premia (Hàn Quốc), Fly Gangwon (Hàn Quốc), Kalitta Air (Hoa Kỳ), Bhutan Airlines (Bhutan).
Trong quý 1/2023, công ty cũng ghi nhận đà tăng trưởng tốt khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 329,2 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp ghi nhận 97 tỷ đồng, tăng 46 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng 11% lên 3.719 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí tài chính tăng đột biến từ 55 tỷ đồng lên 825 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 của SAGS đạt 56,2 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ vay của công ty tăng thêm 20 tỷ so với đầu năm ở mức 234 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm 217 tỷ đồng, trong đó khoản phải trả người lao động chiếm 84 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2023, vốn chủ sở hữu của công ty này ở mức 918 tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm. Tổng cộng nguồn vốn đạt 1.152 tỷ đồng tăng 7% so với đầu năm.
Trong năm 2023, SAGS đặt kế hoạch doanh thu 1.280 tỷ đồng và 205 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 28% và 51% so với thực hiện năm 2022.
SAGS cũng là một trong 3 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm VIAGS (của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam), SAGS và HGS (Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội).
Trên thị trường, tại phiên giao dịch chiều 12/6, giá cổ phiếu SGN của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn đang ở mức 74.000 đồng/cổ phiếu.
Him Lam trở thành cổ đông lớn của SAGS
Theo thông báo của SAGS, ngày 1/6 vừa qua, CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam đã hoàn tất giao dịch mua 2,557 triệu cổ phiếu SGN của CTCP Phục vụ mặt đất Sài gòn, qua đó sở hữu 7,6% tổng số cổ phần của doanh nghiệp này và trở thành cổ đông lớn.
Tại thời điểm cuối quý 1/2023, cơ cấu cổ đông của SGN có 4 cổ đông lớn là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nắm giữ 48,03% cổ phần; Chứng khoán SSI (SSI) nắm giữ 17,64% cổ phần, hãng hàng không Vietjet (VJC) nắm giữ 9,11% cổ phần và CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMPCorp) nắm giữ 7,61% cổ phần. Phần 17,46% cổ phần SGN còn lại được nắm giữ bởi các cổ đông nhỏ lẻ, bên cạnh có 0,14% là cổ phiếu quỹ.
Ngày 8/6, IMPCorp thông tin đã bán ra toàn bộ 2,557 triệu cổ phiếu SGN để giảm sở hữu từ 7,6% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 1/6, trùng hợp với giao dịch mua vào của Him Lam.
Như vậy, sau giao dịch, CTCP đầu tư Khai thác cảng không còn là cổ đông lớn của SAGS. Với việc trở thành cổ đông lớn của SAGS cùng hình bóng Him Lam tại Bamboo Airways đã đánh dấu sự hiện diện của doanh nghiệp này trong lĩnh vực hàng không.
Trước đó, vào tháng 3/2023, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết vào thời điểm cam go nhất và lúc nhân sự biến động, Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng. Đồng thời, ông Dương Công Minh, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Him Lam Group cũng giữ vai trò cố vấn cấp cao tại Bamboo Airways từ tháng 8/2022.