Ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT, một chatbot AI của OpenAI gây sốt giới công nghệ với khả năng có thể soạn thảo e-mail, làm tiểu luận, viết code lập trình hay thậm chí cả viết báo, tiểu thuyết chỉ với vài câu lệnh đơn giản. Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử với 100 triệu người dùng, thu hút khoảng 1,5 tỷ lượt truy cập mỗi tháng.
Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên số lượng người truy cập trang web ChatGPT và lượng tải xuống ứng dụng sụt giảm mạnh kể từ khi ra mắt, cho thấy sức hút của chatbot AI này bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo ghi nhận của công cụ Similarweb, lượng người dùng trong tháng 7 vừa qua đã giảm 12% so với tháng 6, từ 1,7 tỷ người xuống chỉ còn 1,5 tỷ. Giới chuyên gia quan sát, thực tế từ tháng 5, sự tăng trưởng về lượng người dùng đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Thời gian trung bình người dùng hoạt động trên website của ChatGPT trong tháng 5 vừa chỉ dừng ở mức dưới 8 phút mỗi phiên, giảm 8,5% so với tháng trước đó. Cùng với đó là lượng truy cập trang web ChatGPT tính trên cả máy tính và thiết bị di động trong tháng 6 đã giảm 9,7% so với tháng 5 trước đó.
Không chỉ ChatGPT, số người dùng và truy cập các công cụ chatbot có tính năng tương tự khác như Character-AI và Google's Bard cũng đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Điều này khiến một số chuyên gia đưa ra dự báo về nguy cơ bong bóng cổ phiếu của các công ty phát triển các chatbot AI, từng là tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Chuyên gia David F.Carr của Similarweb nhận định, sự đi xuống của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh là dấu hiệu cho thấy người dùng giảm sự tò mò đối với chatbot AI. "Các công cụ AI cần phải chứng minh giá trị thực của chúng, thay vì cho rằng sẽ được công nhận một cách hiển nhiên", ông Carr đánh giá.
Biểu đồ lượng người dùng toàn cầu truy cập hàng tháng vào các công cụ trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Theo Similarweb. |
Theo Economic Times, kể từ khi thành lập, OpenAI vẫn chưa có lãi. Vào tháng 5, khoản lỗ của công ty này tăng gấp đôi lên mức 540 triệu USD sau khi phát triển chatbot ChatGPT.
OpenAI đang phải chi khoảng 700.000 USD/ngày chỉ để vận hành các dịch vụ trí tuệ nhân tạo cho ứng dụng này. Các nhà đầu tư cho rằng, đây được xem như một cách để người đồng sáng lập OpenAI Sam Altman "đốt tiền" bất chấp việc công ty không tạo đủ doanh thu để có thể hòa vốn. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt bộ xử lý GPU là một trong những nguyên nhân khiến công ty làm ăn thua lỗ khi họ không thể đào tạo thêm các mẫu GPT và cải tiến công nghệ.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI đang giúp công ty tồn tại trong thời gian qua. OpenAI đặt mục tiêu doanh thu hàng năm là 200 triệu USD trong năm 2023 và 1 tỷ USD vào năm 2024, song kế hoạch này dường như quá tham vọng khi các khoản thua lỗ của OpenAI ngày càng lớn.
Báo cáo gần đây của Investopedia cho biết, còn quá sớm để bất kỳ công ty hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như OpenAI, Anthropic hoặc Inflection tham gia vào thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Giới quan sát cho rằng, những công ty AI phải mất ít nhất 10 năm hoạt động và 100 triệu USD doanh thu để IPO thành công. Hơn nữa, nếu OpenAI tiến hành IPO, nhiều khả năng nó sẽ bị các công ty lớn hơn mua lại.
Trước đó, nhiều người tin rằng các đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong cuộc đua AI với OpenAI sẽ là Google hoặc Meta mà quên đi mất công ty trí tuệ nhân tạo xAI của tỷ phú Elon Musk. Ông Musk rất lạc quan cạnh tranh với OpenAI và xây dựng một chatbot đối thủ, có thể tác động lớn tới sự sống còn của ChatGPT. Trong một tuyên bố mới đây, tỷ phú Elon Musk cho biết, ý tưởng xây dựng TruthGPT sẽ không tập trung nhiều về chính trị như ChatGPT, đã thu hút được nhiều người quan tâm.
Với những bất lợi trên, trang Analyticsindiamag nhận định, nếu OpenAI không sớm nhận được thêm tài trợ và tìm cách đẩy mạnh tốc độ sinh lời, công ty có thể nộp đơn phá sản vào cuối năm 2024.
Theo Analyticsindiamag, việc OpenAI phá sản cùng với ChatGPT ngừng hoạt động sẽ tác động lớn đến hàng triệu người dùng trên thế giới, đặc biệt là những người trong nhóm sáng tạo nội dung, marketing, bán hàng vì hầu hết họ đều dựa vào nền tảng này để sản xuất nội dung, thực hiện tư duy sáng tạo và giải quyết các vấn đề.
Không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu, sử dụng chatbot này để tự động hoá quy trình làm việc, xây dựng các ứng dụng mới. Điều này có thể tác động đến cách người dùng tương tác với công nghệ thông tin hàng ngày.
Đặc biệt, trong bối cảnh kỷ nguyên số, việc OpenAI phá sản sẽ ảnh hưởng đến cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bởi nó đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của lĩnh vực này thông qua phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), đào tạo các mạng neural nhân tạo và cung cấp các dịch vụ API cho cộng đồng. Do đó, nếu công ty này phá sản có thể để tạo ra một sự thiếu hụt trong lĩnh vực công nghệ, dẫn đến làm chậm quá trình phát triển của trí tuệ nhân tạo.