Công ty mẹ ChatGPT lên kế hoạch tự phát triển chip

OpenAI Chip
11:44 - 09/10/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, đang nghiên cứu sản xuất bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) độc quyền để giải quyết tình trạng thiếu chip và tối ưu mô hình AI của mình.

Theo Reuters, các phương án OpenAI đưa ra bao gồm việc phát triển chip trí tuệ nhân tạo của riêng mình; mở rộng hợp tác với các nhà sản xuất chip khác như Nvidia và đa dạng hóa các nhà cung cấp ngoài Nvidia.

Ông Sam Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI nhấn mạnh, việc bổ sung chip AI là ưu tiên hàng đầu của công ty. Trong một tuyên bố gần đây, ông bày tỏ sự phàn nàn về tình trạng khan hiếm của các bộ xử lý đồ họa GPU - lĩnh vực Nvidia đang thống trị với hơn 80% thị phần toàn cầu.

Các chuyên gia nhận định, nỗ lực của OpenAI trong việc xây dựng chip AI độc quyền gắn với 2 mối lo ngại lớn, đó là sự thiếu hụt bộ xử lý chip AI tiên tiến cung cấp khả năng vận hành cho phần mềm của công ty và chi phí đắt đỏ để mua thiết bị cần thiết cho việc vận hành.

Kể từ năm 2020, OpenAI phát triển các công nghệ AI tạo sinh dựa trên siêu máy tính do Microsoft chế tạo và sử dụng 10.000 GPU của Nvidia. Nhà phân tích Stacy Rasgon của công ty nghiên cứu Bernstein cho biết, việc vận hành ChatGPT rất tốn kém khi mỗi truy vấn tiêu tốn khoảng 0,01 USD. Nếu số lượng truy vấn trên ChatGPT đạt mức 10% quy mô tìm kiếm của Google, OpenAI sẽ cần tới số GPU trị giá 48,1 tỷ USD và khoảng 16 tỷ USD mỗi năm để duy trì hoạt động.

Do đó, OpenAI mong muốn tự chủ nguồn chip và nỗ lực này sẽ đưa họ chung nhóm với những công ty công nghệ đang tìm cách giành quyền kiểm soát việc thiết kế chip cho các doanh nghiệp, đối tác của họ như Google, Amazon.

Với chiến lược như vậy, các chuyên gia cho rằng việc OpenAI tự xây dựng chip AI sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu USD mỗi năm. Ngay cả khi họ có thể chi trả chi phí này cũng không đảm bảo chiến lược xây dựng chip này sẽ thành công. Hơn nữa, việc OpenAI tiến hành kế hoạch phát triển chip, nỗ lực này cũng sẽ phải mất đến vài năm và họ vẫn phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp như Nvidia hay AMD trong thời gian chờ đợi.

Đồng thời, giới chuyên gia khuyến nghị OpenAI nên tiến hành mua lại một công ty sản xuất chip để đẩy nhanh quá trình, tương tự như cách Amazon mua lại công ty điện tử Annapurna Labs vào năm 2015 để phát triển cho bộ phận dịch vụ web Amazon của mình.

Hiện OpenAI chưa đưa ra bình luận.

Nhu cầu về chip AI chuyên dụng đã tăng vọt kể từ khi ChatGPT ra mắt vào năm ngoái. Các chip hoặc bộ tăng tốc AI là cần thiết để đào tạo và chạy công nghệ AI thế hệ mới nhất. Nvidia là một trong số ít nhà sản xuất chip sản xuất được chip AI và chiếm phần lớn thị trường.

Với động thái này, Open AI đã đặt ra câu hỏi về việc tự chủ và kiểm soát trong việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Điều này thể hiện một xu hướng trong ngành công nghiệp AI, khi nhiều doanh nghiệp, tổ chức cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng phần cứng riêng để cải thiện hiệu suất và kiểm soát trong quá trình phát triển và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Mới đây, Meta thông báo công ty đang tạo một chip mới hơn có thể hỗ trợ tất cả tác vụ AI. Hay như Microsoft, nhà đầu tư chính vào OpenAI, cũng phát triển một chip AI tùy chỉnh và đang được OpenAI thử nghiệm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.