Nhà sản xuất pin xe điện SK On đã liên tục thua lỗ trong 10 quý kể từ khi tách ra từ công ty mẹ SK Innovation (thành viên của tập đoàn SK Group) vào năm 2021. Nợ ròng của công ty trong quý 2/2024 tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, từ 2,1 tỷ USD lên 11,7 tỷ USD, do doanh số xe điện tại thị trường châu Âu thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, theo một bài viết của Financial Times.
Với việc Mỹ và Bỉ đang giảm phụ thuộc vào nguồn cung pin từ Trung Quốc, các nhà sản xuất Hàn Quốc như LG, SK và Samsung SDI cùng Panasonic của Nhật Bản đang có cơ hội tăng trưởng tại các thị trường ở châu Âu. Những năm gần đây, SK On đã thực hiện hàng loạt khoản đầu tư tại Mỹ và châu Âu. Công ty này đã đặt cược vào dự đoán về sự bùng nổ nhu cầu xe điện.
Trái ngược với tiềm năng tăng trưởng đó, gần đây SK On đã phải thông báo kéo dài thời gian cho công nhân nghỉ việc tại nhà máy ở bang Georgia (Mỹ) và trì hoãn việc khai trương nhà máy thứ hai ở Kentucky, một liên doanh với khách hàng chính là Ford.
SK On đang chìm trong thua lỗ khi nhu cầu về EV giảm tại Mỹ và châu Âu. |
Chuyên gia phân tích ngành pin Tim Bush tại UBS lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, các nhà sản xuất pin Hàn Quốc đang bị thất vọng nặng nề bởi các nhà sản xuất ô tô của Mỹ đã không hấp dẫn được người dùng bằng xe điện để đáp ứng dự báo doanh số lạc quan của chính họ.
Ông Tim Bush dẫn minh chứng, trong bài phát biểu trước nhà đầu tư, General Motors có kế hoạch bán được 1 triệu xe điện vào năm 2025. Tuy nhiên, hãng mới bán được 21.930 chiếc trong quý 2/2024.
“Các nhà sản xuất pin Hàn Quốc không phải đầu tư mù quáng, mọi khoản đầu tư của họ đều dựa trên sổ đặt hàng với số lượng và giá cố định. Nhưng các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã không đầu tư đủ vào việc sản xuất xe điện chất lượng cao với giá cả phải chăng,” ông Bush nói.
Trong khi đó, các nhà sản xuất của Trung Quốc là CATL và BYD hiện dẫn đầu ngành công nghiệp pin toàn cầu với thị phần 53,2%, theo số liệu từ công ty tư vấn SNE Research. Sản xuất và doanh số của các nhà sản xuất CATL và BYD tập trung chủ yếu tại Trung Quốc, nơi tỷ lệ sử dụng xe điện cao hơn nhiều so với các nước châu Âu.
Riêng về SK On, giới phân tích cho rằng, công ty có vị thế kém thuận lợi hơn so với các đối thủ LG và Samsung SDI. Với tư cách là một công ty mới tham gia vào cuộc đua pin toàn cầu, SK On đưa ra các điều khoản về giá hấp dẫn cho đối tác khách hàng nhưng điều này đang gây bất lợi cho công ty, theo Financial Times.
Trước tình hình thua lỗ ngày càng tăng, Tổng giám đốc SK On Lee Seok-hee mới đây công bố loạt biện pháp về cắt giảm chi phí, điều chỉnh cách làm việc và mô tả đây là tình trạng “quản lý khẩn cấp”.
“Chúng ta đang bị dồn vào chân tường. Tất cả chúng ta cần đoàn kết lại,” ông Lee viết trong thư gửi nhân viên mới đây.
Một phương án khác đang được xem xét là sáp nhập công ty mẹ SK Innovation với công ty năng lượng SK E&S chuyên về sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng. Khả năng sáp nhập này dự kiến được thảo luận ở cấp hội đồng quản trị trong tháng 7 này.