COVID-19 là cơ hội tái cơ cấu nguồn lao động sau đại dịch

COVID-19 là cơ hội tái cơ cấu nguồn lao động sau đại dịch

LAO ĐỘNG Việt nAM
07:38 - 23/02/2022
Cùng với sự quay trở lại của sản xuất, thị trường lao động đang bước vào giai đoạn phục hồi. Trong khi các chuyên gia đề xuất giải pháp tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu việc làm thì các doanh nghiệp lại kỳ vọng nhiều hơn vào sự hỗ trợ của Chính phủ.

COVID-19 đã gây ra khủng hoảng nghiêm trọng cho thị trường lao động khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm nâng lên ở mức cao, thu nhập sụt giảm mạnh. Mặt khác, nhiều ngành hàng, trung tâm công nghiệp lớn nhất là khu vực phía Nam lại thiếu lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Theo Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so với năm 2020. Giãn cách xã hội kéo dài đã làm trầm trọng hơn những điểm yếu của thị trường lao động và làm ảnh hưởng mạnh đến ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, số lao động trong các ngành này giảm mạnh chưa từng có từ trước đến này, cần sớm có những giải pháp phục hồi.

Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp cho nguồn lao động sản xuất năm 2022" ngày 22/2, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bình Dương cho biết, dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Bình Dương có khoảng 1 triệu lao động có hợp đồng và 400 – 500 nghìn lao động tự do. Trong thời gian thực hiện chỉ thị 16, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, những doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ thì cũng ở mức cầm chừng.

“Sau khi hết giãn cách, một phần lớn số lao động bị khủng hoảng tâm lý và quay trở về quê. Theo số liệu thống kê thì con số này lên đến hơn 100.000 người. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhất là thời điểm đầu năm đang có nhiều đơn hàng”, ông Tuyên cho biết thêm.

“Hiện nay, gần như 100% doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động. Với các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội tốt đã đưa số lao động phục hồi đạt 95%. Trong quý I/2022, nhu cầu tuyển mới của các doanh nghiệp ước khoảng 40.000 lao động và cả năm 2022 là khoảng 90.000 lao động để bổ sung số lao động bị sụt giảm do ảnh hưởng của COVID-19 và để kịp thời cung cấp cho các doanh nghiệp đang có nhiều đơn hàng. Các ngành thiếu lao động chủ yếu là gỗ, da giày, dệt may, thực phẩm, điện tử…”, ông Tuyên thông tin.

Bên cạnh những địa phương thiếu lao động để phục hồi sản xuất như Bình Dương thì ở Nghệ An, làn sóng di cư về quê của lao động lại đang gây nên tình trạng thiếu việc làm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vi Ngọc Huỳnh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, có trên 150.000 công dân trở về quê ăn tết từ các địa phương trên cả nước, trong đó có gần 90.000 người trong độ tuổi lao động, gây áp lực giải quyết việc làm lớn cho địa phương. Đa số người lao động trở về Nghệ An có tỷ lệ qua đào tạo thấp, chỉ có khoảng hơn 30% lao động qua đào tạo.

Nhìn nhận về câu chuyện dịch chuyển của người lao động, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phân tích, khi người lao động chấp nhận rời quê đến các khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc là họ đã mong muốn tương lai tốt đẹp hơn cuộc sống hiện tại. Nên khi dịch bệnh diễn ra, người lao động quyết định quay trở về quê là một hành động bất đắc dĩ và họ cũng lường trước được những khó khăn sẽ phải đối mặt khi không có thu nhập.

Bên cạnh lý do về tâm lý lo sợ dịch bệnh như các chuyên gia chia sẻ thì bà Lan cho rằng, nguyên nhân cũng đến từ việc người lao động không có tích lũy trong thời gian làm việc để yên tâm trụ lại. Việc người lao động rút sổ bảo hiểm một lần hay mang đi cầm cố cho thấy họ đã đang tiêu vào những gì đảm bảo an toàn cho tương lai cuộc sống của họ.

Việc không tăng lương tối thiểu trong 2 năm nhưng các chi phí cuộc sống lại tăng lên nhiều hơn, nhất là khi dịch bệnh diễn ra đã trở thành gánh nặng cho người lao động. Đây là những lý do mà bà Lan cho rằng nguyên nhân của việc người lao động chưa thật sự quay trở lại phục hồi.

Do đó, bà Lan khuyến nghị giải pháp thiết yếu nhất là tăng thu nhập cho người lao động bằng việc tăng lương tối thiểu. Sự hỗ trợ cho người lao động cần kịp thời hơn để người lao động không phải về quê, giảm thiểu chi phí cho chính người lao động, cho doanh nghiệp và cho các địa phương.

Một vấn đề cần cân nhắc nữa được bà Lan nhắc đến là có nên chỉ lo việc đưa người lao động trở lại các doanh nghiệp cũ hay không. Bởi đây đều là những ngành thâm dụng lao động lớn, yêu cầu giản đơn, trong tương lai khả năng tự động hóa sẽ thay thế dần do đó không có triển vọng về việc làm.

“Ngoài chuyển đổi số thì tạo việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một hướng gợi mở. Nông nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển, nhất là nông nghiệp xuất khẩu có nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người lao động. Thay vì chỉ nghĩ đến việc đưa người lao động trở lại nhà máy thì việc chuyển đổi công việc cho họ bền vững, lâu dài sẽ là phương án tốt hơn”, bà Lan nhận định.

Đồng tình với ý kiến của bà Lan, bà Nguyễn Thu Hương, đại diện Oxfam đánh giá cao các biện pháp giữ chân người lao động của các doanh nghiệp. COVID-19 đã làm nổi bật giá trị của người lao động đối với sự sống còn của các doanh nghiệp, với sự phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước.

“Tuy giá trị người lao động được quy bằng mức lương nhưng mức lương của họ lại không đảm bảo được đủ sống thì khi rủi ro xảy ra họ sẽ không có tích lũy. Đây là lý do khiến người lao động ồ ạt trở về quê trong thời gian dịch bệnh. Doanh nghiệp thật sự có bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào các chính sách với người lao động. Bản thân doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi lực lượng doanh nghiệp không trụ vững trước những rủi ro, biến động”, bà Hương phân tích.

Theo đại diện Oxfam, sau đợt dịch có thể dễ dàng thấy được sự cạnh tranh trong việc thu hút lao động giữa các tỉnh, giữa các vùng và giữa các doanh nghiệp về giá trị sử dụng lao động và đây cũng vốn là một xu hướng tất yếu.

“Với sự dịch chuyển của nền kinh tế nói chung, cam kết của Việt Nam tại COP26 cho thấy các công nghiệp và các lĩnh vực khác cũng sẽ có sự dịch chuyển. Do đó, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc các xu hướng mới, giảm thâm dụng lao động chuyển sang sử dụng chất xám nhiều hơn để đảm bảo tính bền vững”, bà Hương nhấn mạnh.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử các doanh nghiệp dệt may đều thua lỗ vào quý III/2021.

Theo ông Tùng, phát triển bền vững cũng luôn là con đường mà công ty Thành Công hướng tới. Muốn đi xa đi lâu thì người lao động là then chốt, COVID-19 đã để lại bài học đáng ghi nhớ cho các doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và thương mại Phương Linh cho rằng, COVID-19 là bài học đắt giá cho việc chủ động sử dụng và chuẩn bị lực lượng lao động khi có biến động lớn xảy ra.

Ông Lê cho biết, công ty phải theo dõi "từng hơi thở người lao động" để vừa thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh lại vừa đảm bảo an toàn cho người lao động.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có định hướng phát triển gắn liền với nền kinh tế thị trường. Bởi khi doanh nghiệp đổ vỡ, lao động cũng sẽ gánh hệ lụy bấp bênh theo.

Đọc tiếp