Liên hoan diễn xướng hầu Thánh tại đền Kiếp Bạc năm nay có 3 đoàn diễn xướng. |
Tối 11/9, tại sân đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã khai mạc Liên hoan diễn xướng hầu Thánh năm 2022.
Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, diễn xướng hầu Thánh là nghi lễ đặc trưng ở đền Kiếp Bạc nhằm tôn vinh công lao, uy đức của Đức Thánh Trần trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đạo giáo Việt Nam.
Hầu Thánh có rất nhiều nghi lễ, lễ tiết, diễn xướng khác nhau, nhưng có thể căn cứ vào mục đích, nội dung của từng canh hầu mà chia làm ba loại cơ bản là: Hầu trình đồng, mở phủ; hầu việc Thánh và hầu mừng.
Thanh đồng thực hiện nghi lễ hầu Thánh. |
Đứng đầu canh hầu là thanh đồng, hội thành các cơ cánh đồng. Thanh đồng thực hiện nghi lễ hầu Thánh (hầu làm việc Thánh), thực chất là giúp tín đồ tấu trình những sở nguyện lên Đức Thánh Trần.
Hàng năm, có hàng trăm thanh đồng về đền Kiếp Bạc làm việc. Vì vậy, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và nghi lễ hầu đồng dần dần đã đi sâu vào tâm thức dân gian, trở thành sinh hoạt tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người dân.
Trong tiến trình lịch sử, sự giao thoa giữa thanh đồng (thờ Đức Thánh Trần) với đồng cốt (thờ Mẫu) đã hoà trộn trong nghi lễ ở đền Kiếp Bạc. Hầu mừng Thánh vào các buổi tiệc đản sinh, tiệc kỵ của Thánh, ngày lành, tháng tốt cũng bắt đầu xuất hiện. Từ đó, diễn xướng hầu Thánh trở nên đa sắc, độc đáo và hấp dẫn.
Hầu Thánh có rất nhiều nghi lễ, lễ tiết, diễn xướng khác nhau. |
Thực hiện đề án nâng cấp lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc, lần đầu tiên trên phạm vi cả nước tổ chức thử nghiệm liên hoan diễn xướng hầu Thánh ở đền Kiếp Bạc.
Liên hoan diễn ra từ đêm ngày 11 đến 15/9 (tức 16-20/8 âm lịch), đã thu hút đông đảo các cơ cánh đồng về tham dự như Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương…
Liên hoan diễn xướng hầu Thánh tại đền Kiếp Bạc là một trong nghi lễ được đông đảo nhân dân và du khách đến thưởng thức và trải nghiệm. |
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương Nguyễn Trường Thắng, trong hệ tín ngưỡng Đạo Mẫu, Đức thánh Trần Hưng Đạo được gọi là Cha. Từ lâu, hội Đền Kiếp Bạc được coi là ngày giỗ Cha, là một sự kiện văn hoá truyền thống lớn trong đời sống tâm linh và trở thành mối cộng cảm, cố kết bền vững của cộng đồng.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần, văn, võ song toàn, hội tụ đầy đủ các đức tốt: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Là người có tài, lại biết giữ gìn rường cột nước nhà, nên qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, thờ phụng.
Trần Hưng Đạo là một hình tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, tinh thần quật khởi đấu tranh giải phóng dân tộc. Đã qua nhiều thế kỷ, với tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, Đức Thánh là người anh hùng dân tộc; trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam ông là một Thượng đẳng phúc thần, là Đức Thánh Trần.