Theo Reuters, Nghị quyết do Mỹ bảo trợ nêu trên đã được thông qua bằng hình thức đồng thuận của hơn 120 nước thành viên Liên Hợp Quốc và không cần bỏ phiếu.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong quá trình thiết kế, phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời cơ quan này kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và các bên liên quan kiềm chế hoặc chấm dứt việc sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, hay gây ra những rủi ro quá mức đối với việc thực hành nhân quyền.
Ngoài ra, nghị quyết đề nghị các nước thành viên Liên Hợp Quốc và các bên liên quan hợp tác, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để họ có thể thụ hưởng việc tiếp cận toàn diện, công bằng, thu hẹp khoảng cách và nâng cao trình độ kỹ thuật số.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, Liên Hợp Quốc ghi nhận tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Bên cạnh cơ hội, cộng đồng quốc tế đang đối mặt với trách nhiệm trong việc quản trị trí tuệ nhân tạo.
Đây là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết nhằm điều chỉnh trí tuệ nhân tạo - một lĩnh vực mới nổi và đang được thế giới quan tâm đặc biệt.
Thời gian qua, những công cụ trí tuệ nhân tạo đã tạo ra bước đột phá mới trong làn sóng đầu tư vào công nghệ. Ông Mandeep Singh, chuyên gia tại Bloomberg Intelligence nhận định: "Trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một phần thiết yếu trong hoạt động chi tiêu công nghệ thông tin, quảng cáo và an ninh mạng khi công nghệ này phát triển bùng nổ".
Khi các công cụ trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận, công nghệ này được kỳ vọng sẽ mở rộng sang các ngành và đáp ứng đa dạng nhu cầu hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cũng lưu ý, trí tuệ nhân tạo đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thách thức với những lo ngại về mức độ tin cậy liên quan đến dữ liệu, thuật toán và ứng dụng. Vì vậy, để tối ưu hóa những lợi ích của trí tuệ nhân tạo, điều quan trọng là phải khiến công chúng tin tưởng rằng công nghệ này đang được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm.
Tháng 11/2023, 18 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Đức, Italy, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Australia, Chile, Singapore, Israel, Nigeria, Estonia...đã ký kết một thỏa thuận thúc đẩy doanh nghiệp tạo ra các hệ thống trí tuệ nhân tạo an toàn ngay từ khâu thiết kế trước nguy cơ bị lạm dụng.
Có những lo ngại rằng trí tuệ nhân tạo có thể bị lợi dụng để phá vỡ quá trình dân chủ, tăng cường gian lận, và thậm chí dẫn đến thất nghiệp hàng loạt. Thỏa thuận này sẽ giải quyết những lo ngại này bằng cách thiết lập các nguyên tắc và khuyến nghị.