Chủ tịch HĐQT DCM Trần Ngọc Nguyên phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đạm Cà Mau |
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 ngày 10/1, trả lời câu hỏi của cổ đông, lãnh đạo CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) cho biết, năm 2023 tình hình thị trường biến động khó lường, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bán ure lại giảm mạnh so với năm 2022. Điều này khiến kết quả kinh doanh cả năm 2203 của doanh nghiệp không đạt được mục tiêu đã đã đề ra.
Dự báo năm 2024, tình hình thị trường vẫn phức tạp, Đạm Cà Mau cho biết doanh nghiệp sẽ đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 thận trọng với chỉ tiêu tổng lợi nhuận trước thuế khoảng 839,3 tỷ đồng.
Tập trung phát triển dòng sản phẩm NPK
Trong năm 2024, doanh nghiệp dự kiến sẽ dành khoảng 1.500 tỷ đồng để đầu tư, trong đó đầu tư khoảng 600 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 420 tỷ đồng và vốn vay là 180 tỷ đồng) M&A một nhà máy NPK.
Theo DCM, doanh nghiệp sẽ nâng tổng công suất sản xuất sản phẩm NPK lên 660.000 tấn/năm để thực hiện việc phát triển đối với mặt hàng phân bón này.
“Những năm qua, doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động marketing, xâm nhập thị trường và đạt được những kết quả nhất định. DCM đã ký kết những hợp đồng dài hạn về để cung cấp nguyên liệu sản xuất dòng sản phẩm NPK. Để gia tăng lợi thế, DCM còn đầu tư phát triển hạ tầng kho bãi tại một số vùng miền để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cũng như tàng trữ hàng hóa”, theo DCM.
Kinh doanh sản phẩm NPK của Đạm Cà Mau đạt 152.000/160.000 tấn năm 2023, có sự tăng trưởng rất lớn so với mức 41.000 tấn của năm 2021 và mức 84.000 tấn của năm 2022.
Với chính sách, chiến lược thâm nhập thị trường và việc doanh nghiệp đã sở hữu lợi thế cạnh tranh nhất định, DCM kỳ vọng năm 2024 chỉ tiêu kinh doanh dòng sản phẩm này sẽ tiếp tục tăng cao.
Hiện tại, nguyên liệu sản xuất NPK của Đạm Cà Mau vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong khi đó giá bán sản phẩm lại chủ yếu xác định trên giá nguyên liệu. Do đó, chiến lược định hướng cho NPK của doanh nghiệp là làm tốt khâu mua nguyên liệu, chủ động ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu cùng với sản phẩm chủ lực ure. Đồng thời sản xuất, kinh doanh NPK còn được xác định là đòn bẩy để doanh nghiệp kinh doanh, xuất/nhập khẩu các sản phẩm phân bón khác.
Các chỉ tiêu kinh doanh khác
Chia sẻ tại cuộc họp, lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, bên cạnh đầu tư cho M&A nhà máy NPK, doanh nghiệp còn đang triển khai các dự án tối ưu hóa vận hành sản xuất, trong đó có dự án thu hồi CO2 để chế biến thành CO2 thực phẩm, dự án sản xuất khí công nghiệp ngay tại nhà máy hiện hữu; đầu tư hệ thống xuất hàng xá để tiết kiệm chi phí bốc dỡ, bao bì, đóng và xé bao khi thực hiện xuất khẩu vì phải chuyển tải cho tàu lớn ngoài khơi.
“Đạm Cà Mau tin tưởng rằng việc đầu tư sẽ mang lại hiệu quả và tạo lợi thế để doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới”, theo DCM.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về thuế VAT, lãnh đạo DCM cho biết, hiện phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nhưng các khoản chi phí đầu vào của doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các thuế như tiền mua khí nguyên liệu (thuế VAT 10%), các khoản chi phí dịch vụ khác (thuế VAT 8%). Doanh nghiệp hiện đã kiến nghị các cấp sửa đổi luật thuế áp dụng cho mặt hàng phân bón, trong đó đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT để cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, trong đó Bộ này đề xuất áp thuế GTGT 5% với mặt hàng phân bón.
Theo đó, tại khoản 3a Điều 5 Luật Thuế GTGT hiện hành quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã kiến nghị sửa đổi quy định này do doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón) mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Đồng thời, khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp không chủ động trong xuất đầu tư, mở rộng sản xuất...