Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch doanh thu đi lùi năm 2023, đạt hơn 17.000 tỷ đồng

DPM ảm đạm
16:04 - 19/01/2023
Chủ tịch HĐQT DPM Hoàng Trọng Dũng phát biểu tại buổi họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Ảnh: DPM
Chủ tịch HĐQT DPM Hoàng Trọng Dũng phát biểu tại buổi họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Ảnh: DPM
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin từ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM), năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 17.372 tỷ đồng doanh thu hợp nhất.

Trong năm nay, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.670 tỷ đồng, dự định nộp 637 tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Về kế hoạch tài chính, năm 2023 vốn chủ sở của công ty mẹ ở mức 10.149 tỷ đồng với tổng doanh thu là 15.103 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.606 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 613 tỷ đồng.

Như vậy, so với năm 2022, kế hoạch năm 2023 của Đạm Phú Mỹ có phần đi lùi. Tại ĐHĐCĐ bất thường vừa diễn ra vào cuối tháng 12 vừa qua, Đạm Phú Mỹ cho biết, năm 2022 doanh nghiệp thu về gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.400 tỷ đồng (tương đương 160% vốn điều lệ, gần gấp đôi so với năm 2021).

Về kế hoạch đầu tư của công ty mẹ, năm 2023 Đạm Phú Mỹ dự kiến chi 492 tỷ đồng cho tổng vốn đầu tư. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ bản đạt 209,3 tỷ đồng; mua sắm tài sản, trang thiết bị đạt 282,7 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư sẽ được lấy hoàn toàn từ nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Về chỉ tiêu sản lượng, DPM đặt kế hoạch sản xuất được 1,07 triệu tấn phân bón, bao gồm 785.000 tấn ure Phú Mỹ và 200.000 tấn NPK Phú Mỹ… Sản lượng kinh doanh đạt 1,44 triệu tấn, trong đó ure Phú Mỹ đạt 800.000 tấn, NPK Phú Mỹ đạt 200.000 tấn.

Trước kết quả đạt được trong năm 2022, DPM đã thông qua mức chi cổ tức 7.000 đồng/cp bằng tiền mặt cho năm 2022 (tương ứng tỷ lệ 70% vốn điều lệ) tại ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tháng 12 vừa qua. Tổng số tiền chi cổ tức là gần 2.800 tỷ đồng. Phần lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm 2022 và các năm trước được ban điều hành DPM dự trù cho các dự án đầu tư phát triển trong các năm tới.

Tính đến ngày 30/9, theo báo cáo tài chính hợp nhất, tổng tài sản của DPM ở mức 16.762 tỷ đồng, tăng 20% so với ngày đầu năm (1/1/2022). Biến động chủ yếu từ tiền gửi có kỳ hạn tăng 68%, đạt 5.830 tỷ đồng.

Nợ phải trả của DPM ở mức 3.767 tỷ đồng, tăng 18% so với ngày đầu năm. Trong 9 tháng đầu năm, nợ phải trả cho người bán ngắn hạn của Đạm Phú Mỹ tăng thêm 30%, đạt 1.007 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 19/1, giá cổ phiếu của DPM ở mức 42.250 đồng/cp, tăng 0,1%.

Đọc tiếp