Dân số Trung Quốc sụt giảm 2.08 triệu người trong năm 2023, tăng mạnh so với năm 2022. Ảnh: Getty Images |
Theo hãng tin Reuters trích dẫn số liệu chính thức, tổng dân số Trung Quốc trong năm 2023 đã sụt giảm 2,08 triệu người, tương đương với 0,15%, xuống còn 1,409 tỷ. So với năm 2022 khi mức giảm dân số được công bố ở ngưỡng 850.000 người, con số này cao hơn nhiều và đồng thời ghi nhận mức sụt giảm cao nhất kể từ năm 1961.
Tổng số người chết trong năm 2023 của nền kinh tế số 2 thế giới là 11,1 triệu người, tăng 6,6% so với năm 2022, với tỷ lệ tử vong chạm mức 7,87/1.000 người - mức cao nhất kể từ năm 1974 và cao hơn so với so với ngưỡng 7,37/1.000 của năm 2022.
Ngược lại, tỷ lệ sinh chạm mức thấp kỷ lục 6,39 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với tỷ lệ 6,77 ca sinh vào năm 2022. Nhìn chung trong năm 2023, Trung Quốc ghi nhận tổng số ca sinh là 9,02 triệu, giảm 5,7%.
Nếu xu hướng này tiếp tục về lâu dài, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc dự đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm tới 109 triệu người vào năm 2050, cao gấp 3 lần so với dự báo được đưa ra trước đó hồi năm 2019.
Có nhiều yếu tố được cho là dẫn tới việc tỷ lệ sinh của Trung Quốc sụt giảm, trong đó quan trọng nhất là chính sách một con được chính phủ nước này thực hiện nghiêm ngặt từ năm 1980 tới năm 2015, chi phí nuôi con cao, tư tưởng thay đổi của thế hệ mới về gia đình và hôn nhân cũng như tăng trưởng kinh tế chậm lại. Các nhà nhân khẩu học cho biết, sự phân biệt giới tính và những kỳ vọng truyền thống rằng phụ nữ phải đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Các dữ liệu mới nhất làm tăng thêm lo ngại rằng triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ suy giảm do ngày càng có ít người lao động và người tiêu dùng. Việc dân số trong độ tuổi từ 60 trở lên – độ tuổi nghỉ hưu - dự kiến sẽ tăng lên hơn 400 triệu người vào năm 2035 và nhiều hơn toàn bộ dân số nước Mỹ đang đặt áp lực khổng lồ về chi phí chăm sóc người già và trợ cấp hưu trí lên các chính quyền địa phương. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dự đoán hệ thống lương hưu sẽ cạn tiền vào năm 2035 nếu tình hình không được cải thiện.
Ngoài ra, việc Ấn Độ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023 theo ước tính của Liên Hợp Quốc cũng làm dấy lên nhiều tranh luận về giá trị của việc chuyển một số chuỗi cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc sang các thị trường khác, đặc biệt là khi căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.
Đứng trước tình hình già hóa dân số, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 10/2023 đã kêu gọi nỗ lực động viên phụ nữ đóng góp cho quá trình phát triển và hiện đại hóa đất nước.
Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập trong cuộc thảo luận với đội ngũ lãnh đạo mới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Toàn quốc Trung Hoa (ACWF) ngày 30/10/2023, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận định, sự phát triển của phụ nữ không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân mà còn thúc đẩy “sự hòa hợp gia đình và xã hội cũng như sự phát triển của đất nước và dân tộc Trung Hoa”.
Trong bối cảnh quốc gia đang ứng phó với tình trạng già hóa và suy giảm dân số, ông cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa những nỗ lực “xây dựng văn hóa mới về hôn nhân và sinh con và tăng cường hướng dẫn quan điểm của giới trẻ về hôn nhân, sinh con và gia đình”.
Chính phủ từ cấp trung ương tới địa phương và cả các công ty tư nhân tại quốc gia này trong vòng 2 năm trở lại đây cũng đang công bố hàng loạt biện pháp nhằm nâng tỷ lệ sinh của đất nước, bao gồm các ưu đãi tài chính, khấu trừ thuế, nghỉ thai sản dài hơn và trợ cấp nhà ở.