Lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Phú Thọ. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực cụ thể, gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa,...
Các đối tượng của chương trình bao gồm: Di sản văn hóa thế giới, di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia; di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận; di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc nguy cơ mai một;
Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo; đội tuyên truyền lưu động; các đồn Biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Chương trình cũng đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, thứ nhất là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Thứ hai là bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc.
Thứ ba là nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa.
Thứ tư là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân.
Thứ năm, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa.
Thứ sáu, phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng.
Thứ bảy, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.
Thứ tám, huy động nguồn lực và quản lý thực hiện chương trình.
Phục hồi và tôn tạo 2 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh giai đoạn 2023-2025
Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, chương trình nêu ra một số nhiệm vụ như bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo cho khoảng 2 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh; khoảng 15 di tích quốc gia đặc biệt có giá trị đang xuống cấp nghiêm trọng. Hỗ trợ chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết khoảng 150 di tích cấp quốc gia.
Xây dựng hồ sơ khoa học cho các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới.
Nâng cấp, cải tạo một số bảo tàng công lập cấp quốc gia. Nghiên cứu, thành lập các bảo tàng chuyên ngành cấp quốc gia về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật nhiếp ảnh; trung tâm quốc gia về bảo quản hiện vật
Bên cạnh đó áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển các ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo.
Dành quỹ đất hợp lý tại các vị trí thuận lợi để đầu tư mới các công trình văn hóa
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất nhu cầu kinh phí sử dụng ngân sách Trung ương thực hiện chương trình hàng năm, huy động và quản lý các nguồn lực xã hội hoá trong quá trình thực hiện chương trình.
UBND các tỉnh, thành chủ động cân đối, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện chương trình tại địa phương.
Chương trình cũng lưu ý trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, cần xác định diện tích và vị trí đất dành cho xây dựng công trình văn hóa; ở các khu đô thị mới cần ưu tiên quỹ đất để đầu tư các công trình này.