Đánh thuế tài sản nhà ở liệu có làm ổn định thị trường bất động sản

Đánh thuế tài sản nhà ở liệu có làm ổn định thị trường bất động sản

bđs Việt nAM
10:39 - 15/03/2022
Đánh thuế tài sản, nhà ở hoặc thuế bất động sản thứ 2 trở lên đang là cách làm được 174/193 nước trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên ở Việt Nam câu chuyện có nên đánh thuế hay không vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.

Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, cũng như bổ sung nội dung mới cần quy định tại Luật. Cụ thể, nội dung góp ý gồm đề xuất gộp Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).

Câu chuyện thu thuế không phải nói lần đầu mà trước đây cũng đã bàn đến rất nhiều. Năm 2018, Bộ Tài chính cũng từng lấy ý kiến góp ý dự án Luật thuế tài sản với đối tượng chịu thuế chính là đất, nhà - công trình xây dựng trên đất… Do không nhận được sự đồng thuận nên đã được "gác" lại.

Tình trạng “sốt đất ảo” và “phân lô bán nền” diễn ra liên tiếp trong năm 2021 cùng với cuộc đấu giá đất vô tiền khoáng hậu đã khiến thị trường bất động sản mất cân bằng, nguy cơ bong bóng bất động sản vẫn luôn tồn tại. Vì vậy, việc đánh thuế tài sản, nhà ở lại được đưa ra cân nhắc lại.

Tạp chí MEKONG ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam; TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính và ông Lê Hùng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần tập đoàn bất động sản Nhất Long về việc nên hay không việc đánh thuế tài sản, nhà ở (bất động sản thứ 2 trở lên).

PV: Người Việt Nam luôn có tâm lý mua bất động sản làm của để dành, vậy việc đánh thuế tài sản, nhà ở hoặc thuế bất động sản thứ 2 trở lên có hợp lý hay không?

Câu chuyện đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên hợp lý, vì 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, hiện nay, hiện tượng đầu cơ, giam giữ đất đai nhiều sẽ gây lãng phí cho xã hội, đất và nhà đều là tài nguyên của quốc gia, nhiều người đang sử dụng bất động sản vào việc đầu cơ, tích trữ. Bất động sản trong quá trình mua đi bán lại bị bỏ trống sẽ không tạo ra sự lan tỏa, phát triển kinh tế, không đem lại lợi ích cho nhà nước.

Hiện tượng mua đi bán lại, đẩy giá bất động sản để thu về khoản tiền chênh lệch đang rất phổ biến vì vậy cần sự điều tiết bằng thuế của nhà nước.

Nguyên nhân thứ hai, mặc dù ngay tại thời điểm ban hành thuế, giá bất động sản có thể không giảm ngay nhưng việc đánh thuế như vậy sẽ giúp giảm tình trạng đầu cơ, ai có nhu cầu mua nhà để ở thì mới mua. Như vậy, trong dài hạn sẽ tạo ra áp lực giảm giá lên bất động sản.

Cuối cùng, đánh thuế bất động sản sẽ khiến dòng vốn đi đúng hướng. Hiện nay, dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản chủ yếu là dòng vốn đầu tư, mua bán lòng vòng làm đẩy giá bất động sản chứ không phải để phát triển bất động sản.

Dòng vốn ấy không phải dòng vốn dùng để đầu tư, kinh doanh mà là dòng vốn để buôn bán bất động sản, vì thế khi đánh thuế sẽ chặn lại dòng vốn đầu cơ, tích trữ và hướng dòng vốn sang các hoạt động sản xuất kinh doanh khác mà nhà nước khuyến khích như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu...

Đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên là không hợp lý, nhà nước cần phải nghiên cứu và tính toán kỹ phương án này. Thực ra, việc người dân có bất động sản thứ hai cũng là điều bình thường. Lấy ví dụ một gia đình có 6-7 người có 2 căn nhà 30-40m2, một căn cho thuê một căn để ở và một gia đình có 2 căn nhà 400m2 mà đánh thuế cả hai bằng nhau thì có hợp lý hay không?

Hoàn toàn ủng hộ việc làm thế nào để huy động bất động sản vào đúng mục đích và nâng cao hiệu suất sử dụng bất động sản cũng như hiệu suất sử dụng tài sản trong nền kinh tế quốc dân, nhưng không phải bằng cách đánh thuế bất động sản thứ 2 hay thứ 3 trở lên.

Nếu bất động sản thứ 2 trở lên vẫn tạo ra thu nhập cho nền kinh tế thì là tín hiệu tốt chỉ có bất động sản dùng để đầu cơ, bỏ trống không sử dụng mới là bất động sản cần đánh thuế.

Việc đó vừa làm tài sản phát huy được giá trị sử dụng, vừa đảm bảo mĩ quan đô thị, đảm bảo sự phát triển bình đẳng và lành mạnh của sự phát triển kinh tế. Các bất động sản được đưa vào sử dụng như cho thuê hay làm việc đều đã đóng các loại thuế khác như vậy đánh thêm thuế tài sản vào là không cần thiết.

Thuế bất động sản sẽ còn liên quan đến nhiều loại thuế khác như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp,...hiện nay đã có thuế sử dụng đất vậy thuế bất động sản thu thế nào? Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, nền kinh tế giảm sút, thu nhập của người dân suy giảm, người dân phải chi thêm nhiều khoản cho sức khỏe phòng chống dịch, nay lại thêm thuế tài sản thì càng không nên.

Về lâu về dài thì việc đánh thuế tài sản nên được triển khai tuy nhiên phải đồng bộ với các loại thuế khác và thời điểm đưa ra lấy ý kiến hay thời điểm thi hành cũng cần phải xem xét cho phù hợp.

Đứng ở góc độ của doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hùng, Giám đốc điều hành công ty ở phần tập đoàn bất động sản Nhất Long đã chia sẻ:

"Hiện tại, việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên là chưa phù hợp. Bất động sản ở Việt Nam đang ở mức phát triển ban đầu, đồng thời do tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế làm suy giảm thu nhập của người dân thì việc đánh thuế sẽ tạo thêm gánh nặng. Thời điểm phù hợp nhất để đánh thuế bất động sản sẽ là sau năm 2025.

Việc đánh thuế bất động sản này chắc chắn làm giảm sức mua của khách gàng, bởi nhiều người mua bất động sản chờ lên giá rồi bán, bây giờ đánh thuế thì khách hàng sẽ lựa chọn mua bất động sản để ở luôn mà không lựa chọn mua làm của để dành nữa.

Trong khi đó, giá bất động sản sẽ chững lại chứ không giảm vì đánh thuế bất động sản, giá sẽ không thấp hơn mặt bằng chung bởi hiện nay giá bất động sản đang khá là cao. Đồng thời, việc đánh thuế cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý buôn bán bất động sản của khách hàng bởi nhiều người mua xong chờ giá cao rồi bán, nếu đánh thuế thì họ sẽ không thể tăng giá bất động sản trong vòng 1-2 năm tới".

Trong một diễn biết mới nhất, Bộ Tài chính gửi thông cáo cho các cơ quan báo chí vào chiều 14/3 cho biết, tại thời điểm này chưa xây dựng dự thảo Luật đối với tài sản là nhà và đất, để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Theo đó, Bộ Tài chính đã có công văn đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá tác động về tình hình thực hiện Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (Công văn lấy ý kiến số 1779/BTC-CST và số 1804/BTC-CST ngày 24/2/2022).

Đọc tiếp