Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung |
Tại buổi giao ban đầu Xuân Quý Mão của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) ngày 27/1, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, về cơ bản, công tác chăm lo đời sống các đối tượng chính sách và người lao động dịp Tết năm nay đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Bước sang năm 2023 sẽ là một năm khó khăn, áp lực vô cùng lớn, đòi hỏi Bộ có nhiều đổi mới sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Toàn cảnh buổi họp. "Áp lực và thách thức sẽ tạo động lực tinh thần để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Với mục tiêu năm 2023 phải tốt hơn năm 2022, công việc phải hiệu quả hơn, có nhiều đổi mới sáng tạo hơn, tinh thần năng động đòi hỏi cao hơn đi liền với đó là sự đoàn kết và kỷ cương nguyên tắc làm việc được đề cao hơn”.
Nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng chủ trương chính sách, thể chế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tập trung cao cho ba mục tiêu.
Một là, Bộ LĐ,TB&XH đặt mục tiêu tham mưu Nghị quyết Trung ương về chính sách xã hội trong giai đoạn mới với một tư duy mới, tầm nhìn mới. Thông qua Nghị quyết này hình thành được hai trụ cột cơ bản trong ngành:
Thứ nhất là một chính sách xã hội thông thoáng, toàn diện và bao trùm hơn. Chính sách xã hội đi liền với phát triển kinh tế. Trong đó Nhà nước sẽ đảm bảo giữ vai trò chủ đạo ở một số lĩnh vực. Các lĩnh vực mà xã hội làm được sẽ phát triển theo hướng tư nhân hóa, giao trách nhiệm cho các tổ chức xã hội.
Thứ hai là tập trung cao độ cho thị trường lao động. “Chúng ta không hy vọng ngày một, ngày hai có thể hình thành một thị trường lao động đúng nghĩa nhưng năm 2023 phải đặt nền móng. Căn cứ vào Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết Trung ương để xây dựng một thị trường lao động linh hoạt, hiện đại bền vững hội nhập. Cơ sở dữ liệu về lao động trong năm 2023 cần cơ bản hoàn thành”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Hai là, rút kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ, các cơ quan đơn vị trong Bộ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế, phân cấp phân quyền.
Ba là, gấp rút triển khai việc giải ngân 3 chương trình: Đầu tư công, phục hồi thị trường lao động và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Báo cáo về tình hình bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách và người lao động trong dịp Tết Quý Mão 2023 của Bộ LĐTB&XH cho biết, về công tác chăm lo Tết cho người có công với cách mạng, Chủ tịch nước tặng quà cho trên 1,5 triệu người với tổng kinh phí trên 460 tỷ đồng; tặng trên 3 triệu suất quà tết cho người có công với cách mạng, tổng kinh phí trên 2.000 tỷ đồng,
Về công tác hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023, tính đến ngày 25/01/2023, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 Quyết định hỗ trợ trên 18 ngàn tấn gạo cứu đói cho gần 200 ngàn hộ với 1,2 triệu nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023 cho 17 tỉnh; hỗ trợ trên 1.500 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Về công tác hỗ trợ Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và trẻ em, thực hiện hướng dẫn của Bộ, các địa phương đã hỗ trợ, tặng quà tết cho 3,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, 10 triệu người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và chúc thọ, mừng thọ hơn 1 triệu người cao tuổi.
Về công tác chăm lo Tết cho người lao động, theo số liệu chưa đầy đủ, tổng số tiền chăm lo cho đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn tạm tính chi từ nguồn tài chính công đoàn khoảng 1.954 tỷ đồng; nguồn kêu gọi xã hội hóa ủng hộ nguồn kinh phí chăm lo cho đoàn viên, người lao động trên 2.627 tỷ đồng.
Ước tính kinh phí trợ giúp xã hội, tặng quà tết của 63/63 tỉnh, thành phố khoảng 9.500 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 25 triệu lượt đối tượng đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.