Tháng 5/2023, theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu 140.895 tấn đậu tương với 86,38 triệu USD, giảm 40% về lượng và 44% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, lượng và trị giá nhập khẩu đậu tương giảm lần lượt 25% và 37%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 877.686 tấn đậu tương với 587 triệu USD, giảm lần lượt 4% và 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường nhập khẩu đậu tương lớn nhất khi chiếm tới 50% lượng nhập khẩu đậu tương của Việt Nam, tương ứng với 444.031 tấn.
Nhìn chung, với số liệu nhập khẩu 5 tháng cho thấy Việt Nam đang tăng cường nhập khẩu đậu tương từ thị trường Mỹ. Ngoại trừ tháng đầu năm và tháng 5 ghi nhận giảm khoảng 40%, các tháng còn lại đều ghi nhận tăng từ 60% trở lên, đáng chú ý tháng 2/2023 lượng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ tăng tới 294%.
Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4/2023, lượng nhập khẩu đậu tương của Việt Nam từ thế giới cũng tăng vọt lên 2 con số nhờ mức tăng từ thị trường Mỹ.
Trong khi đó, các thị trường còn lại là Brazil và Campuchia đồng loạt giảm với lần lượt 34% và 94% về lượng trong 5 tháng đầu năm 2023.
Trong thời gian tới, thời tiết khô hạn kéo dài đang gây áp lực đối với cây trồng trên khắp khu vực Midwest của Mỹ, sản lượng đậu tương năm nay tại Mỹ có thể giảm xuống dưới mức kỳ vọng. Đặc biệt, mùa vụ ở các bang sản xuất chính như Illinois, Indiana và Michigan đang chịu áp lực hạn hán nặng nề nhất.
Điều này có thể tác động đến lượng nhập khẩu đậu tương của Việt Nam và đẩy giá đậu tương thế giới lên cao. Tại phiên 15/6, theo Sở Giao dịch hàng hóa Hà Nội (MXV), giá đậu tương ghi nhận mức nhảy vọt tới 24 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 5.
Ngoài ra, một vài yếu tố khác cũng đang tác động lên giá đậu tương. Theo Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA), khối lượng ép dầu đậu tương tháng 5 của Mỹ đã vượt qua hầu hết các dự đoán và đạt mức cao nhất trong tháng 5. Từ đó đã phản ánh nhu cầu xuất khẩu và ép dầu đậu tương tại Mỹ đang hồi phục và thúc đẩy đà tăng của giá.
Mặt khác, các khu sản xuất dầu cọ ở Sabah (bang sản xuất dầu cọ lớn nhất của Malaysia) đang thiếu thốn về nguồn nước do những dấu hiệu ban đầu của El Nino. Sản lượng dầu cọ của nước này năm này dự đoán có thể sẽ giảm 10% -15% do thiệt hại về năng suất. MXV cho biết, triển vọng nguồn cung dầu thực vật sụt giảm đã hỗ trợ mạnh cho giá dầu đậu tương.