Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại Họp báo sáng ngày 6/1. |
Theo số liệu công bố tại Họp báo Công bố số liệu kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2024 sáng 6/1, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2024 gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, có 3.375 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký mới với số vốn đạt 19,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký.
Có 1.539 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 13,96 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước.
Có 3.502 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,54 tỷ USD, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư đã đầu tư vào 18 trong số 21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 25,58 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản với 6,31 tỷ USD, chiếm 16,5%.
Về đối tác đầu tư, năm 2024 có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 10,21 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn, tăng 31,4% so với năm 2023.
Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 7,06 tỷ USD, chiếm 18,5%, tăng 37,5%. Tiếp theo là Trung Quốc với 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Hồng Kông (Trung Quốc) với 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0% tổng vốn đầu tư.
Về địa bàn đầu tư, Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI với gần 5,12 tỷ USD, gấp hơn 2,8 lần so với năm 2023. Hải Phòng và TP HCM lần lượt đứng thứ hai và ba với hơn 4,94 tỷ USD và 3,04 tỷ USD.
Năm 2024, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục ghi nhận những đóng góp quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Xuất khẩu, bao gồm dầu thô, ước đạt gần 290,8 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023, chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu không kể dầu thô, xuất khẩu đạt hơn 289 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,4% tổng kim ngạch.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 241,6 tỷ USD, tăng 15,5%, chiếm 63,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhờ đó, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 49,2 tỷ USD nếu tính cả dầu thô và 47,5 tỷ USD không kể dầu thô, giúp bù đắp phần nhập siêu hơn 25,4 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, đưa cả nước đạt mức xuất siêu 23,8 tỷ USD.
Đặc biệt, theo Tống cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,62 tỷ USD, chiếm 81,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.