Ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có Công điện số 03/CĐ-BKHĐT gửi các bộ, ngành, địa phương về việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và hoàn thành thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định.
Theo nội dung Công điện trên, 5 tháng đầu năm 2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt 148.284 tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 Bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước.
Cả nước vẫn còn 5 Bộ, cơ quan trung ương và 10 địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Còn 6 địa phương chưa đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương hoặc bố trí ngân sách địa phương để thu hồi hoặc chưa thu hồi đủ vốn ứng trước.
Kiên quyết điều chuyển cán bộ sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
Theo đó, Công điện đã đề cập đến các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác thuộc Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Công điện nêu rõ, các cấp thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước. Các thành viên Tổ công tác đặc biệt chủ động rà soát, đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
"Kế hoạch giải ngân cần được xây dựng theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án. Đồng thời phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 người đứng đầu," Công điện của Bộ KHĐT nêu.
Công điện cũng nhấn mạnh, các khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cần phải được tăng cường tháo gỡ. Chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng kịp thời công bố và bảo đảm đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật.
Việc thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư được yêu cầu hoàn tất trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
"Riêng 33 Bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư dưới mức trung bình của cả nước, đề nghị Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án, kiên quyết thực hiện việc điều chuyển đối với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công," Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Tương tự như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đề nghị các bộ ngành, địa phương sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, cũng như thực hiện việc thu hồi vốn ứng trước theo quy định.