Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại hội trường sáng 7/6. |
Phát biểu tại phiên thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Đà Nẵng sáng 7/6, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho biết, có 10 địa phương đang được áp dụng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều địa phương còn khó khăn, mỗi địa phương đều có tính đặc thù riêng.
Để tránh tâm lý các địa phương so bì, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chủ trương chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các nghị quyết đặc thù để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, luật hóa áp dụng chung cho cả nước hoặc cho các vùng, các tỉnh có tính chất tương đồng với nhau. Những chính sách mang lại hiệu quả được nhân rộng và sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những chính sách còn bất cập.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận). |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cũng cho rằng cần thiết phải tổng kết việc thực hiện các chính sách đặc thù cho các địa phương, đặc biệt là những nội dung đã thành công và có hiệu quả thật sự thì cần kịp thời nhân rộng, nếu cần thiết thì phải sửa luật, sửa Nghị quyết. “Tuy nhiên, tôi nghĩ chắc là cũng chưa được nhiều, vì cho đến bây giờ mới có 10/63 tỉnh, thành thực hiện. Thứ hai là cũng có những tỉnh mới thí điểm như Đà Nẵng và Nghệ An vừa thảo luận ở kỳ họp này,” ông Trí nói.
Theo đại biểu Đoàn Hà Nội, lâu nay các chính sách đặc thù vẫn tập trung vào những tỉnh, thành có nhiều thế mạnh. Chính sách Đà Nẵng có thể áp dụng tốt cho Nha Trang, Kiên Giang, Quảng Ninh chứ khó có thể áp dụng được cho Lai Châu, Bắc Kạn, Đắk Nông. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép động viên, yêu cầu tất cả các tỉnh thành xây dựng cơ chế đặc thù, các chính sách đặc thù cho tỉnh, thành của mình.
“Tôi cho rằng cần ưu tiên các tỉnh khó khăn, tỉnh chưa phát triển, tỉnh còn nghèo, tỉnh ở xa trung tâm và phải coi đây là cơ hội để lãnh đạo của các tỉnh thể hiện năng lực, hiểu biết, trình độ; đóng góp vào chiến lược, phương hướng phát triển của địa phương mình. Đặc biệt, đây là cách làm để tạo sự bình đẳng giữa các tỉnh, thành,” ông Trí nêu quan điểm.
Phát biểu tranh luận về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) không đồng tình với việc áp dụng chính sách đặc thù đại trà, bởi các tỉnh, thành được áp dụng cơ chế này phải dựa trên cơ sở thế mạnh riêng.
Việc áp dụng cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ một số quy định chung của luật trên toàn quốc để địa phương phát triển và cũng có thể rút ra bài học kinh nghiệm để sau này nhân rộng trong chừng mực nào đó, một vùng hoặc liên tỉnh. “Chứ nếu áp dụng đại trà thì tất cả các quy định của văn bản pháp luật tự dưng bị xung đột và có thể phải sửa rất nhiều luật,” ông Huân phân tích.
Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Quang Huân đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí rằng nên xem xét mở rộng các tỉnh được hưởng cơ chế đặc thù. Ông nhất trí với việc áp dụng đặc thù cho Nghệ An và Đà Nẵng lần này, nhưng cho rằng còn có những vùng rất cần phải được quan tâm, hỗ trợ như vùng Tây Bắc.
Hiện nay tôi chưa thấy có một chương trình nào hỗ trợ các tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu... những vùng là phên dậu quốc gia, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và kinh tế đang rất khó khăn. Qua các đợt giám sát của Quốc hội, tôi được biết là các địa phương ở trên đó ngân sách đã không đủ chi, phải trợ cấp Trung ương nhưng còn có nghĩa vụ quốc tế là hỗ trợ các bạn Lào. Vì vậy tôi thấy những những tỉnh đặc trưng như thế rất xứng đáng để xem xét cơ chế đặc thù.
Liên quan đến vấn đề trên, trong phần báo cáo giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nêu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật và bình đẳng giữa các địa phương, Bộ đang xây dựng 6 nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 6 vùng kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ KH&ĐT rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách của 10 địa phương đang áp dụng cơ chế đặc thù, nếu thấy phù hợp thì nhân rộng cho các địa phương khác. Như vậy sẽ không cần phải chờ, làm mất cơ hội của địa phương khác.