31% người lao động đang ở trong tình trạng không có việc làm
Nhằm phản ánh bức tranh toàn diện về nền kinh tế, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã phối hợp cùng VnExpress khảo sát trực tuyến về tình hình người lao động. Kết quả khảo sát với 8.343 lao động được Ban IV công bố ngày 14/6 cho thấy, thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây.
Cụ thể, báo cáo kết quả khảo sát của Ban IV chỉ ra, có 31% người lao động được khảo sát đang ở trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm so với trong bối cảnh Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021), nhưng vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%.
Báo cáo Ban IV phân tích, điều này phản ánh thực tế là ngành bất động sản trong suốt một năm qua gặp khó khăn, giao dịch ảm đạm. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải tái cơ cấu, sa thải nhân sự.
Ngành xây dựng cũng bị đình trệ khi giao dịch bất động sản ảm đạm, đồng thời các dự án xây dựng không triển khai được do vướng mắc về đất đai, thủ tục pháp lý, các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước chậm giải ngân.
Số lao động không có việc làm ngành du lịch cao thứ 3 cả nước phản ánh ngành này chưa phục hồi mặc dù hết quý 1/2023, lượt khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam là gần 2,7 triệu, nhưng mới chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Xét theo địa phương thì TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng là những tỉnh/thành có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.
Nhận diện nguyên nhân thiếu việc làm của người lao động, Ban IV chỉ ra, 32,4% người lao động không có việc làm cho biết họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh. 27,1% người lao động đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng.
Kiến nghị nhiều giải pháp thông qua trợ lực doanh nghiệp
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và gia tăng việc làm cho người lao động trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, Ban IV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai các biện pháp trợ lực cho doanh nghiệp, để họ duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các nhóm giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp được kiến nghị để hỗ trợ gián tiếp cho người lao động gồm kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới.
Đồng thời, tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ, cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động hoặc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân người lao động.
Ban IV cũng đặc biệt kiến nghị Chính phủ không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, Ban IV đề xuất cho phép doanh nghiệp, người lao động không phải thu, nộp kinh phí công đoàn cho cơ quan công đoàn cấp trên tới ít nhất là hết năm 2024.
Đề xuất giãn, hoãn các khoản thuế, phí khác để doanh nghiệp và người lao động dồn nguồn lực này cho người lao động trang trải trực tiếp các nhu cầu cuộc sống, nhằm giảm áp lực/kỳ vọng vào khoản tiền rút từ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh các nhóm vấn đề lớn nêu trên, Ban IV cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ/ngành, địa phương liên quan xem xét kĩ các kiến nghị cụ thể của người lao động thể hiện qua cuộc khảo sát.
Cụ thể, người lao động đề xuất Chính quyền cấp Trung ương và địa phương cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp, hạn chế các đợt thanh tra, kiểm tra để các doanh nghiệp được yên tâm hoạt động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất ổn định việc làm cho người lao động.
Thông qua khảo sát, người lao động cũng kiến nghị hỗ trợ họ tham gia các khóa học nâng cao trình độ, tay nghề, ngoại ngữ.