Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. |
Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) thống nhất quan điểm, người lao động, người trực tiếp làm ra của cải vật chất phải "được đặt lên trên hết". Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm diễn ra tương đối nhiều.
Theo quy định hiện hành, ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng thì doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng phải nộp thêm số tiền bằng 0,03% trên ngày tính theo số tiền chậm đóng, trốn đóng. Đại biểu cho rằng mức quy định này còn thấp, chưa đủ tính răn đe.
Do vậy, ông Bình đề nghị quy định ngoài số tiền chậm đóng, trốn đóng, phải tính thêm mức phạt tương đương lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định, để tránh tình trạng chiếm dụng quỹ BHXH thay vì đi vay ngân hàng.
Về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn quy định tại khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật, đại biểu đồng tình cao với quy định rằng tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định pháp luật.
“Quy định này đã có trong pháp luật hiện hành nhưng vì sao tổ chức công đoàn vẫn chưa phát huy được vai trò, nghĩa vụ? Vì quy trình, thủ tục, điều kiện cần và đủ để tổ chức công đoàn đứng ra khởi kiện rất khó. Điều kiện công đoàn khởi kiện là được người lao động uỷ quyền, và doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm đã bị xử lý vi phạm hành chính. Do đó, tôi đề nghị tháo gỡ vấn đề này theo hướng quy định rõ trong Luật về thủ tục, trình tự để tổ chức công đoàn phát huy được vai trò bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động,” đại biểu Phan Thái Bình nêu quan điểm.
Ông đề xuất tổ chức công đoàn được tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm và có kiến nghị với người sử dụng lao động cố tình trốn, chậm đóng bảo hiểm. Nếu đã kiến nghị mà người sử dụng lao động vẫn không chấp hành thì tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện.
Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận hội trường ngày 27/5. |
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Thành phố Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm… Việc này để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch.
Nêu tính khả thi của quy định xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho biết, Điều 40 của dự thảo Luật quy định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng tại Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam không có quy định về việc này. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét vấn đề này để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng). |
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) cho rằng rất cần thiết bổ sung thêm một điều khoản quy định về cơ chế có tính chất đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì vậy, bà nhất trí với quy định trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên theo bà Hương, việc xác định đối tượng đặc thù là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện hơn, từ đó có văn bản quy định hướng dẫn riêng, không nên đưa trực tiếp vào Luật để vừa đảm bảo chủ động điều chỉnh, bổ sung đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.