Ông Hoàng Văn Toàn, tân cổ đông lớn của Hải Phát trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: Anh Thư |
Tân cổ đông lớn: Chúng tôi sẽ cùng kết hợp đưa Hải Phát lên tầm cao mới
Giao dịch mua vào nói trên đã nâng sở hữu của nhóm cổ đông mới tại Hải Phát từ 0,23% lên 16,54% vốn điều lệ, tương đương 50,321 triệu cổ phần công ty, hơn cả Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải với tỷ lệ sở hữu 13,43%.
Theo chia sẻ của cổ đông tại đại hội, việc thay đổi cơ cấu sở hữu dấy lên những quan ngại nhất định về vấn đề xung đột lợi ích giữa hai nhóm cổ đông lớn.
Tuy nhiên ông Hoàng Văn Toàn khẳng định với cổ đông sẽ làm mọi thứ một cách minh bạch nhằm đưa công ty Hải Phát lên một tầm cao mới.
“Chúng tôi cũng sẽ kết hợp cùng với Hải Phát để làm các dự án sẵn có và các dự án trong tương lai. Về xung đột thì chúng tôi khẳng định công ty và nhóm cổ đông mới kết hợp với nhau rất tốt và sẽ làm tốt hơn nữa để cho doanh nghiệp ngày một tốt hơn, không có chuyện có xung đột”, ông Toàn khẳng định.
Chủ tịch HĐQT Hải Phát Đỗ Quý Hải khẳng định, với năng lực chuyên môn của HĐQT và năng lực tài chính của nhóm cổ đông mới, hai bên sẽ kết hợp giúp công ty ngày càng tốt lên và dần lấy lại được vị thế trước đây. Ảnh: Anh Thư |
Về phía nhóm HĐQT Hải Phát, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải cho rằng nhóm thành viên HĐQT có khả năng về đầu tư và xây lắp, trong khi nhóm cổ đông mới có thế mạnh về tài chính.
Theo ông Hải, nhóm HĐQT có năng lực chuyên môn và nhóm cổ đông mới có năng lực tài chính khi kết hợp nếu phát huy được thế mạnh của nhau, cộng hưởng lại sẽ có thể giúp công ty ngày càng tốt lên và dần lấy lại được vị thế trước đây.
Nỗ lực kiểm soát tình hình tài chính
Cũng tại đại hội, cổ đông chia sẻ niềm vui trước tình hình báo cáo tài chính tương đối khả quan của Hải Phát trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, cổ đông rất ấn tượng với việc Hải Phát đã tiết giảm được 650 tỷ đồng trong khoản nợ vay tài chính. Tuy nhiên, số nợ của công ty vẫn còn khá cao, do đó cổ đông đề xuất lãnh đạo Hải Phát tiếp tục cơ cấu, có thể bán bớt những tài sản nào không cần thiết để có thể tái cơ cấu và giảm bớt nợ vay.
Trả lời vấn đề này, ông Đoàn Hòa Thuận, Tổng giám đốc Hải Phát cho biết dòng tiền vào bất động sản trong năm 2023 rất thấp, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn chung. Trước tình hình này, Hải Phát đã nỗ lực để giảm rủi ro.
Theo đó, năm 2022 công ty đã thực hiện việc mua lại đúng hạn và trước hạn các lô trái phiếu trị giá khoảng 2.300 tỷ đồng và cũng đã tránh được những rủi ro có thể xảy ra. Trên cơ sở tiền đề của 2022, sang năm 2023, ông Thuận cho biết Hải Phát sẽ tập trung vào việc hoàn thiện và bàn giao dự án HP Intermix Bắc Giang.
Đây là dự án đầu tư quy mô lớn và trọng điểm khai thác của công ty trong năm 2023. HP Intermix Bắc Giang có quy mô 2,4 ha, tổng mức đầu tư 1.662 tỷ đồng, tiến độ từ năm 2021 - 2023, kế hoạch bàn giao nhà cho khách hàng từ tháng 11/2022.
Về vấn đề nợ, trong năm 2023, Hải Phát có một số khoản nợ về trái phiếu sẽ phải chi trả. Trong đó có 800 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 12/2023 và tháng 1/2024. Đối với lô trái phiếu này doanh nghiệp đã có kế hoạch và hy vọng có thể mua lại trước hạn lô trái phiếu đó vào tháng 11/2023.
Với lô trái phiếu 250 tỷ đáo hạn vào 28/10, ông Thuận cho biết công ty đã đàm phán với các trái chủ và lô trái phiếu đó được gia hạn thêm 10 tháng nữa. Trong 10 tháng đó, có điều khoản cho phép doanh nghiệp được mua lại trước hạn tối thiểu 30% sau 9 tháng. Công ty cũng hy vọng có thể mua lại với một tỷ lệ cao hơn và cũng không ngoại trừ có thể mua lại 100%.
100% đại biểu tham dự đại hội nhất trí thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, kế hoạch khắc phục việc chứng khoán bị đình chỉ giao dịch, quyết định không chia cổ tức năm 2021 và 2022, thay đổi mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của công ty...