Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: BSR. |
Ngày 23/5, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Thông tin tới cổ đông tại đại hội, đại diện BSR cho biết, năm 2024, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1.148 tỷ đồng, các con số này giảm 37% và 87% so với kết quả thực hiện năm ngoái.
Về chỉ tiêu sản xuất, tổng sản lượng xăng dầu và thành phẩm các loại là gần 5,73 triệu tấn và sản lượng tiêu thụ ở mức 5,66 triệu tấn, các con số này lần lượt giảm hơn 22% và 23% so với năm ngoái. Các sản phẩm chính của nhà máy vẫn là xăng RON 95 và dầu Diesel.
Đáng chú ý, theo đại diện BSR, trong năm nay, nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5), đồng thời chu kỳ bảo dưỡng tổng thể cũng được giãn tần suất nhằm kết nối với Dự án Nâng cấp mở rộng nhà máy đang được triển khai. Đây được xem là cơ hội để gia tăng lợi nhuận cho BSR.
Về kế hoạch đầu tư, BSR dự tính chi 994 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản và 342 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị/tài sản cố định.
Về dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc BSR cho biết, việc tiếp cận vốn cho dự án đang khó khăn vì lãi vay đang rất cao.
"Do vậy, doanh nghiệp đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ 31.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng, dự kiến tăng vốn dưới phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt," ông Bùi Ngọc Dương cho hay.
Đây là kỳ vọng để BSR có đủ nguồn vốn chủ phục vụ dự án, đảm bảo vốn chủ chiếm 40 - 60% tổng mức đầu tư của dự án. Phần vốn vay sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác.
Liên quan đến việc thoái vốn của BSR, ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, trước đây cổ phần hóa theo phong trào nhưng đôi khi không tốt.
"BSR đang phải đảm bảo an ninh năng lượng nên việc chi phối của Nhà nước là quan trọng. Đây là lý do Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu hiện nay, để đảm bảo phát triển bền vững và an ninh năng lượng," ông Huyên nói.
Về tiến độ chuyển sàn HoSE, Tổng giám đốc BSR cho biết, công ty sẽ tiếp tục triển khai việc chuyển 3,1 tỷ cp (PVN nắm gần 2,9 tỷ cp) từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HoSE. Dự kiến, hoạt động này sẽ được thực hiện trong năm nay.
Tổng giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương phát biểu tại hội nghị. Nguồn: BSR. |
Việc chuyển niêm yết sang HoSE được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, tăng thanh khoản cũng như giá cổ phiếu và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn, mang lại tiềm năng thu hút vốn cho BSR.
Về việc chi trả cổ tức năm 2023, năm ngoái, công ty mẹ BSR ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 8.755 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ theo quy định, HĐQT trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức 7%, tương đương với số tiền 2.170 tỷ đồng. PVN là công ty mẹ nắm giữ hơn 92% vốn sẽ nhận về phần lớn.
BSR giữ lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối số tiền 11.496 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ dưới hình thức chia cổ tức, tùy thuộc vào phương án thu xếp vốn thực tế cho dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất chiến lược phát triển công ty và tình hình sản xuất kinh doanh trong các năm tiếp theo.