Diễn đàn Mekong Startup, Lần I năm 2022. |
Diễn đàn diễn ra trong hai ngày 19 - 20/12 cũng nhằm tạo lập các chương trình nghị sự gắn với các chuỗi ngành hàng trọng điểm của khu vực (lúa gạo, trái cây, thủy hải sản), để chia sẻ nhận định về bối cảnh, thách thức, cơ hội cũng như xác lập một số giải pháp bước đầu.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những thách thức lớn của biến đổi khí hậu và các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế vùng. Do đó, nội dung trọng tâm của Diễn đàn Mekong Startup là tìm lời giải cho bài toán chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế vùng.
Tuy nhiên, đây không phải là bài toán có thể giải quyết trong ngắn hạn, cũng không phải của chỉ riêng một địa phương, hay một tổ chức, cá nhân nào mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc, chung tay, đồng lòng của cả khu vực, các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân.
"Do vậy, Diễn đàn được tỉnh Đồng Tháp tổ chức ở quy mô cấp vùng, với việc tham gia chủ trì của cấp Chính phủ, Bộ/ngành và sự đồng hành của các tỉnh/thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là các doanh nghiệp dẫn đầu nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ ứng dụng”.
Từ nhận thức “liên kết” là một trong những chìa khóa quan trọng, Đồng Tháp và các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều hoạt động liên kết, trong đó Diễn đàn Mekong Startup được coi là một trong các hoạt động liên kết nổi bật của vùng, với mục tiêu lớn nhất là tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo.
Qua đó, cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng “phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên, đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng".
Trong khuôn khổ của Diễn đàn lần này cũng diễn ra các hoạt động trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu, giới thiệu, trình diễn công nghệ, kết nối thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, các phiên thảo luận chuyên đề.
Trong sáng 20/12, có 3 phiên thảo luận của riêng ba ngành hàng là lúa gạo, thủy sản và trái cây cùng hướng đến mục tiêu "hiện đại, bền vững, phát thải thấp". Trong chiều cùng ngày diễn ra phiên toàn thể với chủ đề "Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp".
Đặc biệt, điểm nhấn của Diễn đàn là nội dung trao đổi, đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, Bộ/ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng phục hồi và phát triển phù hợp với xu thế của thế giới.
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực đầu tiên trong cả nước có các tỉnh đã ký cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp. Vùng đã xây lộ trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt để đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực hiện thực hóa những cam kết giảm phát thải được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 26.