Điện Kremlin tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: Sputnik |
RT đưa tin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/12 tuyên bố, Moscow biết Washington sẽ cố gắng duy trì "lệnh cấm vận bất hợp pháp", nhưng "Mỹ không phải là toàn bộ thế giới".
"Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng gây áp lực lên Nga, bao gồm cả về hệ thống kinh tế và thương mại quốc tế. Cần lưu ý rằng Mỹ là một nền kinh tế lớn, nhưng không phải là nền kinh tế duy nhất. Nền kinh tế thế giới không chỉ giới hạn ở nền kinh tế Mỹ", ông Peskov nói.
Quan chức này nhấn mạnh: "Thế giới đa dạng hơn Mỹ nhiều, nên thế giới với Mỹ làm trung tâm đang kết thúc và một thời kỳ đa dạng đang bắt đầu, kể cả trong quan hệ kinh tế quốc tế".
Tuyên bố của Điện Kremlin được đưa ra sau khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Tài nguyên Năng lượng Geoffrey Pyatt tuyên bố rằng Washington có kế hoạch nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga trong dài hạn.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để biến điều đó thành hiện thực", ông Geoffrey Pyatt nói với Financial Times. Quan chức này cho biết mục tiêu của lệnh cấm vận là "thay đổi hành vi của Nga", để đảm bảo rằng Moscow sẽ "không thể tiến hành các cuộc xung đột trong tương lai".
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận đơn phương đối với Nga. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán xuất khẩu dầu khí của Nga có thể giảm ít nhất 40% vào năm 2030 nếu các lệnh trừng phạt vẫn được duy trì.
Vào tháng 12/2022, G7 đã ban hành mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga và cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho bất kỳ bên nào muốn bán cao hơn mức giá đó. Biện pháp này nhằm mục đích giảm doanh thu xuất khẩu của Moscow.
Mặc dù doanh thu từ việc bán dầu và khí đốt của Nga giảm 46% xuống còn 426 tỷ Ruble (4,6 tỷ USD) vào tháng 1/2023, thì đến tháng 10, con số này đã lên tới 1.635 tỷ Ruble (17,6 tỷ USD), theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga.
Các quan chức EU đã buộc phải thừa nhận rằng Moscow đã thành công trong việc vượt qua giới hạn này, vì "hầu như không có" lô hàng dầu thô nào được bán ở mức giá trần hoặc thấp hơn giá trần mà G7 đưa ra.
Ngoài ra, những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - đều chưa tham gia áp dụng mức giá trần như phương Tây. Do đó, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu nhiều hơn sang nước này. Moscow cũng chuyển hướng sang các thị trường khác ở Trung Đông, châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.