Điện Kremlin: Dự thảo năm 2022 có thể là cơ sở đàm phán với Ukraine

đàm phán Nga - Ukraine
08:47 - 13/04/2024
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 12/4, Điện Kremlin cho biết dự thảo thỏa thuận hòa bình mà Nga và Ukraine đã đám phán trong những ngày đầu của cuộc xung đột có thể đóng vai trò như điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán mới nhằm chấm dứt giao tranh.

Theo hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry trong một hội nghị ngày 12/4, dự thảo được thảo luận ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2022 giữa Nga và Ukraine có thể trở thành “cơ sở để bắt đầu đàm phán”. Ngoài ra, ông cũng khẳng định các cuộc đàm phán mới sẽ cần phải tính đến “thực tế mới” do “đã có nhiều thay đổi khi các thực thể mới đã được đưa vào hiến pháp Nga”.

Các tài liệu được thảo luận tại Istanbul vài tuần sau khi Nga chính thức khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022 được cho là bao gồm các điều khoản liên quan tới về tình trạng trung lập của Ukraine. Ngoài ra, nó cũng đặt ra giới hạn đối với lực lượng vũ trang của nước này cũng như trì hoãn các cuộc đàm phán về tình trạng của các khu vực do Nga chiếm đóng.

Vào thời điểm đó, các cuộc đàm phán không đi tới một thỏa thuận chung nào và đã gặp thất bại. Nga đã bác bỏ công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó yêu cầu Moscow rút quân, bồi thường cho Ukraine và đối mặt với tòa án quốc tế về hành động của mình.

Về phần mình, Ukraine kiên quyết từ chối khả năng đàm phán với Nga, đặc biệt là trong bối cảnh Moscow không đưa ra đảm bảo sẽ rút khỏi các khu vực bị chiếm đóng.

Tới tháng 9/2022, Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine bao gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), Kherson và vùng Zaporizhzhia vào lãnh thổ của mình sau khi tiến hành trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, Ukraine và các nước phương Tây đều lên tiếng chỉ trích các cuộc trưng cầu dân ý trên và tuyên bố không công nhận kết quả bỏ phiếu.

Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau những bình luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 11/4, trong đó ông khẳng định các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine mà Thụy Sĩ dự kiến tổ chức vào tháng 6 tới là “vô nghĩa” khi không có sự hiện diện của Nga.

Trong khuôn khổ cuộc gặp mặt tại Moscow với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, ông Putin nhấn mạnh: “Họ nói chúng tôi từ chối đàm phán. Chúng tôi không hề được mời, nhưng họ lại nói chúng tôi từ chối”.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Nga khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng, nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực thi quan điểm không dựa trên thực tế”. Đồng thời, ông cũng cho biết Nga có thể tiến hành đàm phán với Ukraine dựa trên dự thảo thoả thuận Istanbul.

Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã nhiều lần tuyên bố nước này làm vậy với mục đích bảo vệ lợi ích của mình và ngăn chặn Ukraine gây ra mối đe dọa an ninh lớn cho Nga bằng cách gia nhập NATO. Ngược lại, Ukraine cùng các đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tiến hành các hành động gây hấn vô cớ.

Trong bối cảnh viện trợ quân sự cho Ukraine vẫn đang bị trì trệ tại Quốc hội Mỹ, quan chức hàng đầu Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/4 tuyên bố rằng cuộc phản công năm 2023 của Ukraine hoàn toàn là một thảm họa và Kiev không nên kỳ vọng vào việc đánh bại Nga trên chiến trường bằng những chiến dịch tương tự.

Hãng tin RT dẫn lời quan chức này cho biết: ““Tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng, việc Ukraine thực hiện kế hoạch phản công vào năm 2023 – mà Tổng thống Zelensky mô tả là ‘không thành công’, đã gây thương vong cho hơn 166.000 người của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cũng như gây tổn thất 789 xe tăng, 2.400 xe bọc thép và 132 máy bay”.

Đọc tiếp