Ngày 20/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Cuộc họp "Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" với sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với nhiều ý kiến, khuyến nghị đa chiều liên quan đến chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Ngọc cho biết, ngày 8/10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) mà Việt Nam là một thành viên, đã ban hành tuyên bố về Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế số với sự đồng thuận của 136 nước thành viên.
Trong đó, Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được áp dụng từ năm 2023.
Về tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, giới chuyên gia khẳng định là rất rõ ràng và cấp bách, tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các dự án trọng điểm áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.
Tháng 8/2022, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ Tài chính thường trực, đầu mối và Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.
Từ góc độ đầu tư, Bộ KH&ĐT nhận diện 2 sứ mệnh là đảm bảo hoạt động đầu tư cũng như xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Bích Ngọc nhấn mạnh, Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư từ năm 1987, một trong những giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư là sử dụng các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trong đó, các biện pháp ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, không có một sự liên hệ theo tỷ lệ thuận hay nghịch về việc chính sách thu hút đầu tư càng hấp dẫn thì dòng vốn đầu tư nước ngoài càng chảy vào nhiều. Nhưng chính sách ưu đãi đầu tư là một trong những công cụ quan trọng để bổ trợ cho những lợi thế so sánh tĩnh của Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam đạt kết quả khả quan trong gần 30 năm thu hút FDI.
Khi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng, đồng nghĩa, tất cả ưu đãi dành cho các doanh nghiệp như ưu đãi thuế dưới 15% sẽ không còn tác dụng, ảnh hưởng đáng kể đến chính sách, phương tiện, công cụ thu hút đầu tư của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, nếu Việt Nam không thu thêm thuế, nước nơi đặt trụ sở chính của công ty mẹ sẽ được đánh thuế bổ sung trên phần chênh lệch giữa mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% và mức thuế suất hiệu quả tại nước đầu tư.
Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư để tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu và ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đã đầu tư, đồng thời thu hút nguồn lực đầu tư mới. Theo đó, Thứ trưởng nhìn nhận 3 nhóm vấn đề Việt Nam cần giải quyết:
Thứ nhất, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tương ứng với thuế thông lệ quốc tế, song vẫn tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh trong khu vực.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi đầu tư nhưng thuộc diện phải áp dụng quy định mới, Việt Nam sẽ là nước trực tiếp thu thuế bổ sung hay doanh nghiệp quay trở về nước đặt trụ sở chính nộp thuế. Trong trường hợp nộp thuế tại Việt Nam, cần nghiên cứu giải pháp hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi những nhà đầu tư này như thế nào.
Thứ ba, một góc nhìn rộng hơn, quy định này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà còn tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ra nước ngoài.
Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, nghiên cứu chính sách ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu vừa là một nhiệm vụ cấp bách vừa là một nhiệm vụ lâu dài, cần được nhìn nhận cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tới toàn bộ mọi đối tượng doanh nghiệp.
Nhu cầu mở rộng hoạt động đầu tư trở nên bất định
Trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư.
Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực
Tuy mức thuế suất phổ thông là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, song trong một số trường hợp, các mức thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 17% được áp dụng tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư.
Thậm chí, một số nhà đầu tư được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt có các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.
Trong khi đó, các trường hợp chịu tác động của thuế suất tối thiểu là các nhà đầu tư lớn, có tổng doanh thu hợp nhất trên 750 triệu Euro, tức khoảng 850 triệu USD theo tỷ giá hiện hành, nên việc áp dụng quy định mới không chỉ làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài mà còn làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài; gia tăng áp lực hành chính trong quá trình đầu tư.
Lý giải rõ hơn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm cần lượng vốn giải ngân FDI khoảng 20-30 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030, con số này tăng lên khoảng 25-30 tỷ USD.
Nếu như thuế tối thiểu toàn cầu tác động trực tiếp đến các dự án đang triển khai tại Việt Nam, câu chuyện tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam của những đơn vị này sẽ là một câu hỏi lớn, ông Sử đặt vấn đề.
Phản ứng chính sách thuế của một số quốc gia
Với một số quốc gia nhóm các nước phát triển, Hoa Kỳ năm 2022 đã ban hành Đạo luật giảm lạm phát 2022 (The Inflation Reduction Act of 2022), trong đó đặt ra Thuế tối thiểu thay thế dành cho doanh nghiệp ở mức 15%.
Tương tự, Anh tháng 11/2022 cũng đã thông qua dự luật tài chính năm 2023; dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
Các quốc gia EU tháng 12/2022 đã đạt được thỏa thuận nội bộ về việc triển khai Trụ cột 2. Dự kiến sẽ nội luật hóa từ cuối năm 2023.
Trong khi đó, tại nhóm các nước đang phát triển, chẳng hạn như Singapore, quốc gia này dự kiến sẽ thực hiện Thuế bổ sung nội địa (DTT) để điều chỉnh chế độ thuế doanh nghiệp nhằm đáp ứng mức thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2025. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục thận trọng theo dõi diễn biến quốc tế để điều chỉnh kế hoạch triển khai thực tế.
Thái Lan dự kiến xây dựng "gói" pháp lý chính sách để thực hiện Trụ cột 2 gồm các chính sách về: ưu đãi thuế nội địa, mức thuế tối thiểu trong nước và các quy định hỗ trợ đầu tư như hỗ trợ chi phí phát triển cơ sở hạ tầng, trợ giá điện trong năm 2023.