Toàn cảnh Diễn đàn Thiết kế nội thất - kiến trúc ngành Du lịch nghỉ dưỡng và thực phẩm đồ uống |
Sau thời kỳ đại dịch, xu hướng du lịch bền vững, hòa mình vào thiên nhiên đã tác động mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển các thiết kế nội thất - kiến trúc công trình xanh, sử dụng năng lượng sạch và ưu tiên dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Kiến trúc sư Trần Khánh Trung, Chủ tịch TTT Architects
Tại diễn đàn Thiết kế nội thất – kiến trúc với chủ đề “Hòa quyện Đẳng cấp và Bền vững” trong lĩnh vực Du lịch nghỉ dưỡng và Thực phẩm đồ uống do Hiệp hội Thiết kế TP HCM (VDAS) tổ chức ngày 7/4 vừa qua, kiến trúc sư Trần Khánh Trung - Chủ tịch TTT Architects chia sẻ: “Ngành du lịch nghỉ dưỡng đang có xu hướng đề cao các công trình ưu tiên sử dụng sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường nhưng đồng thời cũng phải đem lại nhiều trải nghiệm mới lạ cho khách hàng”.
Các thiết kế, sản phẩm nội, ngoại thất trong khách sạn, cơ sở lưu trú được làm từ chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và được thiết kế đem lại tiện nghi, thoải mái sẽ ngày càng thu hút sự chú ý của khách hàng trong việc lựa chọn nơi du lịch nghỉ dưỡng.
Do đó, yếu tố bền vững là tiêu chí quan trọng nhất được đặt ra ngay từ khi nhà thiết kế bắt đầu xây dựng ý tưởng. Các khách sạn, resort sẽ phải đầu tư vào thiết kế phù hợp với việc sử dụng năng lượng xanh, sạch giảm phát thải khí nhà kính, cũng như quản lý các nguồn phát thải khác như nước, rác thải... theo hướng tuần hoàn.
Như vậy, việc tăng cường áp dụng các xu hướng xanh trong tiện nghi hay thiết kế của khách sạn sẽ càng ghi điểm trong mắt du khách quan tâm đến du lịch bền vững và có trách nhiệm.
Các diễn giả thảo luận về "Du lịch nghỉ dưỡng: sự đổi mới trong thiết kế nội thất & kiến trúc 2023" |
Đồng tình với quan điểm đó, ông Hồ Tấn Dương, Chủ tịch VDAS nhấn mạnh yếu tố thân thiện với môi trường đóng vai trò là chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch VDAS, nhà thiết kế đóng vai trò là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để tạo ra giải pháp sáng tạo, đặc biệt là đối với các công trình liên quan đến ngành du lịch nghỉ dưỡng và F&B, hai lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Và để dung hòa được tính bền vững và yếu tố đẳng cấp, các nhà thiết kế cần sở hữu tư duy sáng tạo đột phá cũng như nắm bắt được nhu cầu của khách hàng.
Dấu ấn văn hóa bản địa trong không gian kiến trúc
Phiên thảo luận về "Sức ảnh hưởng của văn hóa địa phương trong thiết kế nội thất và kiến trúc ngành F&B”. |
Việc đưa yếu tố văn hóa vào các công trình kiến trúc không chỉ giúp khách hàng hiểu thêm về văn hóa địa phương, về lịch sử dân tộc, mà còn tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa thương hiệu và khách hàng. Đây chính là yếu tố giúp các thương hiệu tôn vinh và bảo tồn những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc.
Kiến trúc sư Krisnawati Anggraini Phó Giám đốc Dự án AKYN Hospitality Group |
Nhận định “văn hóa chính là sợi dây kết nối giữa tính bền vững, đẳng cấp trong một không gian kiến trúc”, Kiến trúc sư Krisnawati Anggraini - Phó Giám đốc Dự án AKYN Hospitality Group cho rằng, cộng đồng thiết kế nên đào sâu, tận dụng những nguồn vật liệu tại địa phương như gỗ, đất sét, mây tre...
“Đó là những vật liệu phổ biến, thân thuộc với khách hàng và thể hiện được tinh thần dân tộc, văn hóa bản địa. Điều này vừa giúp công trình có giá trị lâu bền mà vẫn thể hiện được sự đẳng cấp của không gian kiến trúc.
Bởi đẳng cấp không chỉ nằm ở sự sang trọng mà còn ở trải nghiệm, cảm xúc của khách hàng khi đến với các thương hiệu”, bà Anggraini nêu.
Nhà thiết kế Felice Iacobellis, Giám đốc SIRHALO, cũng gợi ý cộng đồng thiết kế nên sử dụng nguyên vật liệu phổ biến ở Việt Nam như đất sét để tạo thành các sản phẩm mang phong cách hiện đại. Theo ông Iacobellis, “lợi ích của cách làm này là đem lại cảm giác gần gũi và thể hiện văn hóa một cách tinh tế, thú vị. Một cách để đề cao tính bền vững bởi những vật liệu này không hề tốn kém, thân thiện với môi trường lại còn tạo nên một vòng tuần hoàn tái chế hoàn hảo”.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành F&B cũng cần quan tâm đầu tư đổi mới thiết kế kiến trúc. Theo các chuyên gia, thành công của một thương hiệu F&B không chỉ đến từ chất lượng đồ ăn thức uống hay dịch vụ tốt, mà còn ở sự hấp dẫn của không gian nội thất hay ngoại cảnh.
Bà Patricia Marques, Tổng quản lý Công ty Thực phẩm & Nước giải khát Ý tưởng Việt (Viet Idea Food & Beverages), Starbucks Việt Nam |
Bà Patricia Marques, Tổng quản lý Công ty Thực phẩm & Nước giải khát Ý tưởng Việt (Viet Idea Food & Beverages), Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn: “Một không gian chất lượng, thú vị với khách hàng là khi nó đưa được yếu tố văn hóa vào trong các công trình kiến trúc hiện đại. Sự kết hợp này sẽ tạo nên dấu ấn riêng của thương hiệu trong lòng khách hàng”.
Khi bước chân vào một công trình như vậy, trải nghiệm mà khách hàng thu nhận được sẽ giúp họ định hình được bản sắc riêng, đồng thời còn có cơ hội thỏa sức khám phá nhiều nét văn hoá khác nhau, bà Marques cho biết.
Kiến trúc sư Leo Lâm Vương, Tổng giám đốc Vertical Studio lại coi thiết kế kiến trúc là “một hình thức văn hóa quan trọng bởi nó phản ánh một cách trực quan về bối cảnh lịch sử, sự phát triển của từng dân tộc, từng vùng đất”.
Ông Vương nhận định, ở bối cảnh hiện đại, văn hóa là một phần không thể thiếu trong việc nhận diện một thương hiệu. Những thiết kế mang đậm nét văn hóa bản địa sẽ giúp tăng cường mối quan hệ với khách hàng, đồng thời cũng làm tăng giá trị cạnh tranh của chính thương hiệu đó.