Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu lao đao vì ‘chiết khấu’

Xăng Dầu Việt nAM
17:51 - 06/03/2023
Ảnh: Quách Sơn.
Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, vấn đề chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, rất nhiều doanh nghiệp phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

Phát biểu tại tọa đàm “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 6/3, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho hay hiện tượng chiết khấu thấp, thậm chí là âm cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tưởng chừng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng hiện tượng này đã diễn ra hơn một năm qua, làm cho doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng nề.

Vị đại diện đến từ Trà Vinh này cũng cho hay, sau hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu được tổ chức ở VCCI ngày 14/2 vừa qua, chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít tùy khu vực.

“Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có? Trong khi Nghị định thì chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi. Có phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối lợi dụng gom hết phần này? Nay thấy không thể thâu tóm được tất cả nên phải trích ra cho doanh nghiệp bán lẻ” TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh)

Theo ông Giang Chấn Tây, Bộ Công Thương giải thích chiết khấu là do “thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn một năm qua đã chứng minh điều ngược lại, đó là chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Điều doanh nghiệp bán lẻ muốn là sự căn cơ, chứ không phải là sự thất thường này.

Bởi, theo Thông tư 104 của Bộ Tài chính thì chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này có ghi rõ là bao gồm cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ, nhưng lại không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này một cách triệt để hưởng hết phần chi phí này.

“Mức nhận được của doanh nghiệp bán lẻ là 900 đồng/lít mà mới nhận được có 100 đồng/lít thì đề nghị yêu cầu doanh nghiệp đầu mối hoàn trả lại cho doanh nghiệp bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa và thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính ra tổng mức mà doanh nghiệp đầu mối phải chi trả bổ sung cho doanh nghiệp bán lẻ. Nếu không, doanh nghiệp bán lẻ chúng tôi sẽ đồng loạt làm đơn gửi Chính phủ yêu cầu giải quyết”, ông Giang Chấn Tây nói tại cuộc toạ đàm.

TS Giang Chấn Tây cho rằng, muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, kể cả trong dịp lễ và Tết, thì phải có điều kiện cần và đủ là quy định chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm. Cùng đó quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở nhiều nơi để đảm bảo nguồn hàng và có thù lao tăng thêm từ cạnh tranh.

Cùng quan điểm, ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TP HCM) cho hay, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được ký hợp đồng lấy hàng từ một nhà cung cấp, trong khi doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý đều có cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn.

Theo ông Thật, trong cơ cấu giá thành có định mức chi phí kinh doanh và chi phí lợi nhuận nhưng không phân chia quy định cho từng khâu tham gia chuỗi cung ứng. Điều này dẫn đến tình trạng khi biến động giá thế giới tăng và kỳ điều hành tăng theo thì các nhà cung cấp (đầu mối lẫn thương nhân phân phối) găm hàng bằng biện pháp chiết khấu 0 đồng hay thông báo nguồn hàng chưa về cảng, hoặc chờ lấy mẫu làm cho đứt gãy chuỗi cung ứng đến người tiêu dùng.

“Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có đưa vào chi phí cố định cho bán lẻ trong cơ cấu giá thành không?”, ông Thật nêu ý kiến.

Ông Văn Công Thật cũng đề xuất chuỗi cung ứng chỉ nên quy định 2 cấp là doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối bán lẻ. Cùng đó, cần phải đưa vào Nghị định mức chi phí cố định tối thiểu cho các doanh nghiệp bán lẻ trong cơ sở giá bán lẻ khi Nhà nước ấn định điều hành giá để đảm bảo hoạt động được duy trì xuyên suốt, vì các doanh nghiệp bán lẻ là chuỗi cung ứng quan trọng đến từng tế bào trong xã hội.

Các doanh nghiệp cho ý kiến tại tọa đàm.

Các doanh nghiệp cho ý kiến tại tọa đàm.

Cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc thị trường xăng dầu bị đứt gãy là giá, ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc CTCP Xăng dầu Sài Gòn (Saigon Petroleum) phân tích, giá xăng dầu cần phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời trong cả 3 khâu từ đầu mối, phân phối, bán lẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan điều hành cứ lấy giá 6 tháng trước áp cho 6 tháng tiếp theo trong khi xăng dầu là mặt hàng biến động rất nhanh theo từng ngày, từng giờ.

Do đó, ông Hán đề nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu trong nước kịp thời, sát thực tế hơn. Bởi vừa qua, cơ quan chức năng mới tính giá cơ sở ở đầu mối mà chưa tính đến giá lưu thông.

Cơ quan quản lý nói gì?

Trả lời những câu hỏi được các doanh nghiệp đưa ra tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, thời gian qua, Bộ đã thực hiện nghiêm túc công bố thông tin về tính giá cơ sở (trong đó bao gồm chi phí định mức và chi phí kinh doanh - phần để nơi cấp nguồn chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ).

Theo ông Tiến, hiện nay, công thức giá cơ sở gồm: Giá thế giới chiếm 60-70%; chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, chi phí đưa từ nhà máy lọc dầu về cảng, từ nước ngoài về Việt Nam khoảng 9%; các loại thuế từ 11-20%. Còn lại chi phí lợi nhuận định mức và chi phí trong lợi nhuận xăng dầu. Chi phí được công khai ở Nghị định 95.

Riêng chi phí định mức (đưa từ nhà máy lọc dầu đến cảng…) được công bố định kỳ. Chi phí định mức công bố 1 năm/1 lần. Các chi phí còn lại công bố 6 tháng/lần.

“Các chi phí được tính toán, phản ánh từ khâu bán buôn, lưu thông, dự trữ đến người tiêu dùng”, ông Tiến nói.

Về chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ, theo đại diện Bộ Tài chính tại cuộc toạ đàm, giá chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như dự báo giá, hàng tồn kho… Khâu đánh giá chi phí với chiết khấu theo chuỗi từ bán buôn đến bán lẻ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.

“Trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, chúng tôi đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Chúng tôi rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở trên cơ sở phát sinh. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, rà soát để các khâu trong tính giá cơ sở, công khai tới doanh nghiệp”

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, đại diện cho Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định cho rằng, về vấn đề chiết khấu, phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra?

“Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học”, ông Đông nhấn mạnh.

“Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI ra sao? Như vậy có công bằng không trong nền kinh tế? Chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề. Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500 - 2.000 đồng/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu trong đàm phán hợp đồng?” Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Về vấn đề doanh nghiệp có được nhập bán lẻ từ nhiều nguồn, ông Đông cho rằng, Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn. Bản chất hiện nay nếu như đại lý thấy chiết khấu không ổn có thể chấm dứt hợp đồng đại lý này tìm nguồn cung cấp khác có chiết khấu ổn hơn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, thủ tục sang tên, đổi tên giấy chứng nhận phân phối xăng dầu đòi hỏi Sở Công Thương cần có thời gian thì cũng là khó khăn cho các doanh nghiệp.

“Quan điểm của chúng tôi là những gì luật đã quy định rồi, liên quan đến quan hệ dân sự giữa các doanh nghiệp thì chúng ta không nên đưa vào quy định”, ông Đông bày tỏ.

Về chi phí lợi nhuận định mức, để tính đúng tính đủ, tính kịp thời, ông Đông khẳng định rằng, Bộ Tài chính thời gian qua đã rất nỗ lực phối hợp với Bộ Công Thương cố gắng tính toán để mức này sát với diễn biễn của thị trường trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, thời gian qua, tần suất biến động về giá rất nhanh, mạnh và liên tục nên cũng cần thông cảm cho các cơ quan quản lý không thể theo kịp biến động của thị trường.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Đông chia sẻ, hiện vẫn có nhiều quan điểm trái chiều, song nếu vẫn muốn có công cụ can thiệp trong ngắn hạn thì quỹ vẫn là công cụ cần thiết. Từ trước đến nay, Quỹ vẫn hoạt động công khai, minh bạch, đảm bảo việc bình ổn giá trong ngắn hạn để giá xăng dầu không tăng hoặc giảm sốc. Trong bối cảnh giá xăng dầu trong rổ hàng hoá tính CPI rất cao thì quỹ là cần thiết.

Về vấn đề đầu mối nhập khẩu không nhập hàng và găm hàng, ông Đông cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khi kinh doanh thua lỗ, bán ra khó khăn thì khâu nào cũng muốn hạn chế bán hàng, chứ không riêng gì doanh nghiệp đầu mối. Do đó, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng phải xử lý căn cơ như thế nào theo biến động thị trường để nhanh hơn, mạnh hơn và chi phí, lợi nhuận cuối cùng doanh nghiệp tự quyết được thì mới có thể xử lý được phần nào khó khăn này.

Đối với kiến nghị Nhà nước phân chia chiết khấu cho các khâu, ông Đông cho rằng, nếu quy định vấn đề này tức là Nhà nước sẽ đi quá sâu vào hoạt động và quan hệ dân sự của doanh nghiệp. Còn giải pháp triệt để để tránh chiết khấu 0 đồng thì yếu tố gì là khách quan, biến động hàng ngày thì trả về nhiều hơn cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tự chủ hoạt động của mình nhiều hơn, tự khắc câu chuyện chiết khấu sẽ được xử lý.

Việc sửa đổi nghị định về xăng dầu tới đây sẽ đưa ra 3 phương án: Phương án 1 là giữ nguyên quy định điều hành giá nhưng cần thay đổi cách tính chi phí, tính đúng tính đủ. Phương án 2 là đưa xăng dầu về cho thị trường nhiều hơn, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn, Nhà nước sẽ có giá tham chiếu. Phương án thứ 3 là hoàn toàn trả hết cho thị trường, bỏ quỹ, bỏ can thiệp ngắn hạn.

Ban soạn thảo đang nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động để làm sao hướng tới thể chế quản lý xăng dầu thực sự khoa học và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

- Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Tin liên quan

Đọc tiếp