Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị 'chia phần' chi phí kinh doanh định mức

Xăng Dầu Việt nAM
18:00 - 14/03/2023
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị 'chia phần' chi phí kinh doanh định mức. Ảnh: Quách Sơn.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị 'chia phần' chi phí kinh doanh định mức. Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ.

Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ sáng 14/3, theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước gồm: chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa.

Cụ thể trong giá cơ sở từ khi ban hành Thông tư 104 đều có liệt kê tính gồm: chi phí kinh doanh định mức là 1050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít.

Theo các doanh nghiệp, trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ. Tuy nhiên, theo ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), trong Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này một cách triệt để hưởng gần như hầu hết phần chi phí này.

Ông Giang Chấn Tây cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

Cũng trong đơn kiến nghị ngày 14/3, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng trên thực tế họ không phải nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối. Doanh nghiệp bán lẻ bỏ tiền của mình để mua hàng của đối tác là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu để kinh doanh độc lập.

"Doanh nghiệp bán lẻ hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách Nhà nước độc lập nhưng không được hưởng đầy đủ phần lợi ích về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận phải được hưởng", đơn kiến nghị nêu. Do đó doanh nghiệp bán lẻ cho rằng họ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định.

Các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị, Liên bộ Tài chính - Công thương thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức này cho cả phía doanh nghiệp bán lẻ, từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, đồng thời làm cơ sở truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ bị chiếm đoạt.

"Điển hình như sau khi thẩm định, phân định lại mức nhận được của doanh nghiệp bán lẻ là 900 đồng/lít mà chỉ nhận được 100 đồng/lít thì đề nghị hội đồng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối hoàn trả lại cho doanh nghiệp bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa...", ông Giang Chấn Tây kiến nghị.

Trước đó, trong phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thị trường xăng dầu cuối tháng 2 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… phù hợp với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch.

Cùng với đó là tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định.

Vào đầu tháng 2, trong văn bản góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương soạn thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Còn trong trường hợp Nhà nước can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Trước đó, tại tọa đàm “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 6/3, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho hay, hiện tượng chiết khấu thấp, thậm chí là âm cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tưởng chừng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng hiện tượng này đã diễn ra hơn một năm qua, làm cho doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng nề.

“Mức nhận được của doanh nghiệp bán lẻ là 900 đồng/lít mà mới nhận được có 100 đồng/lít thì đề nghị yêu cầu doanh nghiệp đầu mối hoàn trả lại cho doanh nghiệp bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa và thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính ra tổng mức mà doanh nghiệp đầu mối phải chi trả bổ sung cho doanh nghiệp bán lẻ. Nếu không, doanh nghiệp bán lẻ chúng tôi sẽ đồng loạt làm đơn gửi Chính phủ yêu cầu giải quyết”, ông Giang Chấn Tây nói tại cuộc tọa đàm.

Tin liên quan

Đọc tiếp