Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi EU chú trọng các tiêu chuẩn xanh

Thỏa thuận xanh eu
10:45 - 26/11/2022
Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi EU chú trọng các tiêu chuẩn xanh
0:00 / 0:00
0:00
Liên minh châu Âu (EU) ngày càng hướng tới các tiêu chuẩn xanh trong lĩnh vực thực phẩm. Bên cạnh những cơ hội mang lại, doanh nghiệp Việt được khuyến cáo phải chú trọng các quy định để đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Chiều 25/11, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Châu Âu”, nhằm cung cấp thông tin về những tiềm năng, lợi thế nông sản Việt Nam khi thâm nhập thị trường EU. Hội thảo cũng thông tin về xu thế và các tiêu chuẩn xanh, sạch, thân thiện với môi trường phù hợp với quy định chung của EU đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu Nguyễn Thị Thu Thủy, châu Âu là thị trường xuất khẩu nông sản lớn và quan trọng đối với Việt Nam. Thời gian qua, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đã ghi nhận nhiều khởi sắc. Một số nhóm hàng như gạo, rau củ quả có sự tăng trưởng ấn tượng.

“Trong bối cảnh hiện nay, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại nông sản Việt Nam sang Châu Âu tiếp tục gia tăng. Do đó, các doanh nghiệp cần năng động trong việc nắm bắt thông tin thị trường, thay đổi tư duy và nhận thức để thích ứng với các yêu cầu thị trường", bà Thủy nhận định.

Xu hướng thực phẩm xanh tại châu Âu

Thỏa thuận Xanh châu Âu là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần quan tâm. Theo Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân, từ năm 2019, EU đã khởi động chiến dịch Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD).

EGD là một tập hợp các sáng kiến chính sách do Ủy ban châu Âu đưa ra nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm để bán được tại thị trường EU cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.

Trong các quy định cốt lõi EGD, nổi bật lên là chiến lược Farm to Fork - F2F (hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường).

F2F hướng đến mục tiêu đến năm 2030 giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50%; giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật trang trại; 25% diện tích đất nông nghiệp là chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ...

Để đảm bảo công bằng, EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác thực hiện tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường.

"Chiến lược F2F là vấn đề mà doanh nghiệp cần nghiêm túc nghiên cứu khi muốn tiếp cận thị trường EU lâu dài", ông Quân nhận định.

Ngoài ra, EU đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí hậu vào năm 2050. Tuy nhiên, các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon”.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). CBAM sẽ áp giá carbon cho hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính của quy trình sản xuất.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Trước tình hình trên, theo Tham tán Trần Ngọc Quân, những nhà nhập khẩu lớn ở châu Âu sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm vào thị trường EU tuân thủ các nguyên tắc của Thỏa thuận Xanh. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chuyển đổi sang chế biến và sản xuất hàng hóa mang tính bền vững hơn.

Ảnh tác giả

"EU đang thiết lập các chương trình hỗ trợ, đặc biệt là nhắm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để chuyển đổi sang việc tuân thủ các quy định mới về Thỏa thuận Xanh của EU. Các công cụ và cơ chế tốt hơn sẽ được đưa ra để cung cấp thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp và cải thiện các hoạt động chế biến, sản xuất".

Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ Trần Ngọc Quân

Nhiều chính sách và biện pháp của EGD được xây dựng dựa trên các quy định hiện có mà doanh nghiệp có thể đã tuân thủ nếu doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu sang Châu Âu. Tính bền vững trong các quy trình công nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh tại châu Âu mà còn có thể mang lại lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam

Theo ông Quân, tác động tức thời của chiến lược F2F đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu là Chính sách Nông nghiệp Chung Mới có hiệu lực vào Quý I/2023. Các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU sẽ phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến ghi nhãn và thông tin, sẽ phải tuân thủ việc sử dụng ít thuốc trừ sâu và phân bón hóa học hơn cũng như điều kiện sống tốt hơn cho vật nuôi.

Các quy tắc về “ghi nhãn” trong quy định mới của tổ chức hữu cơ sẽ không chỉ bao gồm nhãn trên sản phẩm mà còn áp dụng cho tất cả các tuyên bố, chỉ dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, hình ảnh hoặc dấu hiệu liên quan đến một sản phẩm trên bao bì, tài liệu, dấu hiệu, nhãn, vòng hoặc các dải đi kèm hoặc đề cập đến sản phẩm đó.

Chỉ cho phép sử dụng các thuật ngữ như hữu cơ và sinh thái (hoặc các thuật ngữ ngắn hơn như 'sinh học' và 'sinh thái') nếu sản phẩm được chứng nhận hữu cơ. Nhà sản xuất phải lưu ý rằng thiết kế bao bì sản phẩm không quá giống với màu sắc (xanh lá cây và trắng) và hình dạng (lá) của biểu trưng EU Bio, vì điều này có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm rằng sản phẩm là hữu cơ.

Nhãn cho các sản phẩm hữu cơ vào thị trường EU phải bao gồm số mã của cơ quan kiểm soát mà nhà sản xuất là đối tượng và nơi trồng các nguyên liệu nông nghiệp mà sản phẩm được tạo thành.

Đọc tiếp