Doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã khai thác có hiệu quả các ưu đãi từ EVFTA, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế về 0% từ 3 – 7 năm, hoặc được xóa bỏ thuế quan ngay lập tức khi EVFTA có hiệu lực như các ngành giày dép; hàng dệt may; túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù và các mặt hàng nông sản.
Tuy nhiên, dù có lợi thế về FTA nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được ưu thế để tiến sâu vào thị trường tiềm năng nhưng khó tính này.
Tại hội thảo "Phổ biến thông tin thị trường và kết nối với các hệ thống phân phối khu vực EU" do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) chủ trì chiều 11/8, bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó Vụ trưởng vụ thị trường châu Âu và châu Mỹ nhận định, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt là năng lực còn hạn chế, không đáp ứng được các tiêu chí mà phía EU đưa ra như thông tin truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn về thực phẩm sạch...
Ngoài ra, người tiêu dùng EU cũng đang có xu hướng quan tâm đến các vấn đề môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may. Trong khi đó, hiện EU là một trong những nhà nhập khẩu quần áo lớn nhất thế giới.
Thị trường EU cũng đang cố gắng thực hiện nhiều mục tiêu xanh, từ thuế carbon đánh vào hàng hóa nhập khẩu (thuế biên giới carbon), cho đến mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với rác thải điện tử và nhựa. “Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may” mà Ủy ban châu Âu (EC) trình bày trước Nghị viện vào ngày 17/5 vừa qua là chiến lược mới nhất trong những nỗ lực trên. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi chưa kịp chuyển đến mô hình "xanh hóa".
Bên cạnh đó, vấn đề thiếu thông tin cũng trở thành khó khăn kìm chân doanh nghiệp. Thực tế, dù đang ở trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tìm kiếm đủ thông tin cần thiết về thị trường châu Âu, trong khi theo các chuyên gia, để tiếp cận và trụ vững lâu dài tại EU, doanh nghiệp trước tiên cần phải giải quyết các vấn đề hiện tại của doanh nghiệp, trong đó bao gồm việc trau dồi kiến thức ngành hàng, nâng cao năng lực tìm kiếm các "bạn hàng" phù hợp.
Gợi ý cho doanh nghiệp thoát khỏi những khó khăn đang tồn tại, bên cạnh năng lực cần cải thiện, bà Nguyễn Thảo Hiền cho rằng các doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường thông qua các hệ thống phân phối tại châu Âu.
"Các hệ thống phân phối tại châu Âu là kênh phân phối ngắn nhất giúp doanh nghiệp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, nắm bắt được biến động thị trường cũng như xu hướng tiêu dùng của người EU"
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp Vũ Anh Sơn cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, phía thương vụ đã thiết lập được kênh thông tin kết nối với một số tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Pháp và châu Âu. Đồng thời, thương vụ cũng tiếp cận thành công hệ thống phân phối bán lẻ, nhà nhập khẩu, nhà phân phối bán buôn thực phẩm châu Á lớn nhất tại Pháp là Rungs.
Ngoài ra, năm 2021 lần đầu tiên Tuần hàng Việt Nam được khai trương tại hệ thống siêu thị Carrefour (một trong những hệ thống phân phối bán lẻ lớn nhất tại Pháp). Trong tháng 1/2022, trong khuôn khổ hợp tác, Carrefour đã vinh danh Tết Việt Nam trên hệ thống này. Đây có thể coi là bước tiến mới để các mặt hàng tiếp cận thị trường lẻ tại EU, nâng tầm độ nhận diện của hàng hóa Việt Nam tại khu vực.
Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Sơn chia sẻ thêm, phía thương vụ tại Pháp cùng đối tác là T&T Foods sẽ tiếp tục thực hiện sự kiện quảng bá hàng Việt tại hai hệ thống bán lẻ lớn nhất tại Pháp là Leelee, Carrefour vào tháng 9 tới.
Gợi ý thêm cho doanh nghiệp tiến vào thị trường châu Âu, ông Vũ Anh Sơn cho rằng, trước hết, doanh nghiệp muốn tiếp cận các nhà phân phối thì phải có đủ năng lực tài chính, nhân lực cũng như kiến thức về thị trường. Điều quan trọng hơn cả theo ông Sơn là doanh nghiệp phải tiếp cận thị trường với tư duy xuất khẩu bền vững thay vì “ăn xổi”. Bởi nếu với tư duy xuất khẩu ngắn hạn thì khó mà trụ vững tại châu Âu khi mà các nhà nhập khẩu ưu ái tìm kiếm đối tác lâu dài.
Tổng giám đốc T&T Foods Nhật Thành Khiêm thì cho biết, để tiếp cận hệ thống phân phối, doanh nghiệp cần có kế hoạch và chiến lược marketing hiệu quả và dài hạn, đồng thời cần có chiến lược để phát triển kênh phân phối.
Thực tế, khi hàng của doanh nghiệp đưa vào đại siêu thị thì chưa chắc người tiêu dùng có thể thấy ngay lập tức tiến tới mua. Mặt khác, do sự khác nhau về văn hóa, nhiều loại thực phẩm nhập vào thị trường mà người tiêu dùng không biết cách sử dụng cũng như mục đích của mặt hàng.
“Không phải vì thực phẩm của doanh nghiệp có mặt trên kệ mà người tiêu dùng Pháp sẽ lập tức mua. Bởi người Pháp không biết sản phẩm này dùng để làm gì. Do vậy, doanh nghiệp cần đưa ra chiến lược marketing để người tiêu dùng biết được và sẵn sàng mua dùng"
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến yếu tố quay vòng của sản phẩm. Từ việc quay vòng, các nhà phân phối bán lẻ có thể đánh giá được nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm đó. Đồng thời, các nhà nhập khẩu có xu hướng hạn chế lưu một lượng lớn hàng trong kho. Do vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo được số lượng hàng giao hàng tuần cho đối tác.
Bên cạnh các lưu ý trên, các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU còn phải lưu ý về các rủi ro bị lừa đảo ở khâu trung gian. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thanh – Tham tán thương mại tại Italia đề nghị các doanh nghiệp nên có ngôn ngữ để giao tiếp, đồng thời chủ động tìm kiếm, kiểm tra thông tin của đối tác (tra google, thông tin bên sở thương mại...).
Ông Thanh cho biết, thông qua vụ 100 container hạt điều thời gian trước, doanh nghiệp không nên tin môi giới, đối tác một cách tuyệt đối. Theo ông Thanh, doanh nghiệp có thể chia hoa hồng cho môi giới nhưng phải yêu cầu được gặp mặt trực tiếp với đối tác. Nếu doanh nghiệp còn nghi ngờ thì nên tự đến tận nơi để trao đổi với đối tác.
Các phương thức thanh toán đều mang tính rủi ro nhưng nếu kiểm soát chặt từng khâu, từng công đoạn thì sẽ giảm thiểu rủi ro. Nếu yêu cầu bằng L/C thì nên yêu cầu cọc 10 - 20% đối với hợp đồng lớn, 5% với hợp đồng nhỏ. Ông Thanh cho biết điều này thể hiện cam kết của người mua đối với hợp đồng xuất khẩu cũng như chứng minh đối tác có tài khoản thực tại ngân hàng giao dịch.
Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức như trên, Hiệp định EVFTA như chất xúc tác giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU có sự tăng trưởng đáng kể. Nếu như năm 2020, 2021 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU không tận dụng được tối đa EVFTA do đại dịch thì bước sang năm 2022, các doanh nghiệp đã nắm bắt được ưu đãi thuế quan, tận dụng đưa hàng của mình vào thị trường này.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, trên đà tăng trưởng năm 2021, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia tại EU trong năm 2022 nhờ EVFTA.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3%. Năm 2021 Việt Nam tiếp tục xuất siêu đạt 23,23 tỷ USD.
6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 23,82 tỷ USD, tăng 22,7%. Xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU ghi nhận sự tăng trưởng tốt như hàng dệt may đạt 2 tỷ USD; giày dép đạt 2,8 tỷ USD và túi xách đạt 452 triệu USD.
Các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng trưởng cũng tương đối cao. Trong đó, cà phê là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 899 triệu USD. Đối với mặt hàng gạo, cũng tăng tới 54%, đạt 8,9 triệu USD; hạt tiêu tăng 43,9%, đạt 91 triệu USD: thủy sản tăng 42,1%, đạt 651 triệu USD…
Theo Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc), với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam (2015 - 2021).
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang đứng vị trí đối tác thương mại thứ 14 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Tính riêng về xuất khẩu, Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.