Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam kiến nghị tháo gỡ nhiều bất cập của Luật Trồng trọt. Ảnh minh họa. |
Bên cạnh những điểm cải thiện của Luật Trồng trọt mới (có hiệu lực chính thức ngày 1/1/2020), VSTA cho rằng, Luật còn có những điều khó hiểu, khó thực hiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, văn bản kiến nghị của VSTA cho biết, mâu thuẫn, bất cập trong bản thân Luật Trồng trọt và các luật khác thể hiện ở mục công nhận lưu hành và tự công bố lưu hành.
Trong đó, Khoản 1 Điều 13 của Luật Trồng trọt quy định, giống thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được cấp quyết định công nhận lưu hành. Trừ trường hợp nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu.
Tuy nhiên, tại Mục 6 của chương này, quy định về xuất, nhập khẩu giống cây trồng, tại Điều 28, khoản 2, lại “phủ định” quy định tại Điều 13 với quy định rằng: Giống cây trồng và hạt lai của giống cây trồng chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành và không thuộc danh mục, nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu lại chỉ được xuất khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo… không vì mục đích thương mại và phải được Bộ NN&PTNT cho phép.
Thực tế một số doanh nghiệp của Việt Nam hoặc các doanh nghiệp có vốn FDI hiện đang tổ chức sản xuất hạt lai F1 các giống ngô lai, ngô chuyển đổi gen - GMO, lúa lai theo hình thức “gia công” để xuất khẩu, làm theo đặt hàng của nước khác.
“Cộng đồng VSTA với hy vọng lớn mạnh đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất giống của khu vực. Điều đó mang lại lợi ích lớn về thu nhập cho nông dân tham gia mạng lưới và có thêm cơ hội học hỏi được kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài. Nhưng với quy định ‘tréo ngoe’ như trên quả là khó cho hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu giống”, văn bản kiến nghị nêu rõ.
Cộng đồng VSTA hy vọng tháo gỡ khó khăn cho phát triển cây giống của Việt Nam. Ảnh: VGP. |
Một vấn đề khác được VSTA đề cập tới là theo quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt, tất cả các đơn vị muốn tiếp tục sản xuất kinh doanh các giống đã quá 10 năm đều phải được ủy quyền của tổ chức cá nhân được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng đó.
Thực tế sản xuất cũng nảy sinh những vấn đề mà các nhà làm luật không tính đến: Đó là những giống mặc dù là không bảo hộ quyền tác giả nhưng có chủ thể đứng ra công nhận giống mới theo pháp lệnh, là giống được các viện, trường, trung tâm chọn tạo ra bằng ngân sách Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, đề tài.
Theo luật thì đây là tài sản công vì nó được tạo ra bằng ngân sách của Nhà nước. Một số viện đã đứng ra làm “gia hạn lưu hành” và chia sẻ quyền sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp có nhu cầu không thu phí để đảm bảo ổn định thị trường giống.
Tuy nhiên, một số lại được ủy quyền cho một doanh nghiệp nào đó đứng ra làm thủ tục “gia hạn lưu hành”. Trong khi đó, nội dung của quyết định gia hạn lưu hành (quy định trong Phụ lục 4 của Nghị định 94/2019/NĐ-CP mà Cục Trồng trọt cấp) đã thể hiện không đầy đủ và chính xác việc đơn vị được ủy quyền chỉ đứng ra làm thủ tục gia hạn lưu hành, dẫn đến các doanh nghiệp đó nhầm tưởng mình đã “sở hữu” các giống được ủy quyền. Điều này tạo thành cơ hội làm tiền khiến nhiều đơn vị trong ngành giống bức xúc.
Bên cạnh đó, việc tự công bố lưu hành với cây trồng không phải cây trồng chính, điển hình là giống rau cũng được các thành viên VSTA nhất trí kiến nghị, cần phải tự công bố lưu hành để giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt thực trạng các tiến bộ về giống rau màu, các doanh nghiệp chọn tạo, sản xuất, xuất nhập khẩu giống rau màu.
Song, suốt 2 năm chuyển tiếp, các doanh nghiệp phải loay hoay và không biết sẽ phải làm thế nào để tự công bố, vì Luật Trồng trọt quy định vậy nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết nào về việc này.
Về vấn đề cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng, Luật hiện quy định là những giống đặc sản, bản địa và những giống tồn tại lâu dài ngoài sản xuất, được địa phương đề nghị.
Hướng dẫn của Bộ cho thấy, từ “địa phương” được định vị là Sở NN&PTNT. Theo VSTA, Sở NN&PTNT là cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh về nông nghiệp, không có chức năng sản xuất, kinh doanh giống, mà quyết định lưu hành vốn là quy định để sản xuất kinh doanh hợp pháp. Trong khi đó, nội hàm của quyết định công nhận đặc cách lưu hành không chứa các phạm vi về vùng, về thời gian, có nghĩa rằng giống sẽ được lưu hành ở tất cả các vùng và không giới hạn thời gian. Ngoài ra, không văn bản nào làm rõ thế nào là giống tồn tại lâu dài.
Trước những bất cập, vướng mắc trong thực thi Luật Trồng trọt nêu trên, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT ban hành những thông tư hướng dẫn để gỡ khó những trường hợp mà giống không kịp gia hạn lưu hành, không còn tác giả hoặc cơ quan tác giả để gia hạn lưu hành, ủy quyền cho đơn vị khác làm thủ tục gia hạn lưu hành nhằm đáp ứng nhu cầu về giống của nông dân các vùng sinh thái khác nhau.
VISTA kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ và Quốc hội đề xuất dự án sửa đổi, bổ sung Luật Trồng trọt. Trước mắt là trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 94/2019/NĐ-CP nhằm cụ thể, minh bạch và dễ hiểu hơn.
Trong phạm vi được quy định về trách nhiệm quản lý lĩnh vực, VSTA kiến nghị Bộ trưởng NN&PTNT chỉ đạo các Cục, Vụ xây dựng nhanh và ban hành sớm một thông tư quy định cũng như hướng dẫn Chương II của Nghị định 94 về giống cây trồng, nhằm giải quyết các rào cản, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật Trồng trọt.