Ảnh minh họa. |
Ngoài Hoà Phát, Thép Nam Kim báo lợi nhuận hồi phục, kết quả kinh doanh của các công ty thép khác đều kém sắc. So với các nhóm ngành khác, ngành thép có nhiều doanh nghiệp báo lỗ nhất trong quý 2/2023.
Lỗ nặng nhất là CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã SMC). Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 3.300 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn nên SMC lỗ gộp 87 tỷ đồng.
Bên cạnh sự suy giảm từ hoạt động cốt lõi, doanh nghiệp còn chịu sức ép từ mức tăng mạnh của các khoản chi phí. Chi phí lãi vay tăng 65% lên 73 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 6 lần cùng kỳ, lên 214 tỷ đồng, do phải trích lập dự phòng nợ xấu 180 tỷ đồng. Cuối quý 2/2023, SMC ghi nhận nợ xấu gần 1.300 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Kết quả, SMC lỗ sau thuế 414 tỷ đồng trong quý 2, trong khi cùng kỳ lãi 45 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn thứ hai trong lịch sử hoạt động của SMC, chỉ sau khoản lỗ của quý 4/2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SMC ghi nhận doanh thu thuần 7.177 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ, lỗ sau thuế 393 tỷ đồng.
Công ty “đội sổ” ngành trong năm ngoái là CTCP Thép Pomina (mã POM) đến quý 2 vừa qua vẫn thua lỗ nặng. Doanh thu thuần của POM đã giảm đến 79% so với cùng kỳ 2022, đạt 800 tỷ đồng. Cũng kinh doanh dưới giá vốn nên công ty lỗ 35 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cộng thêm là gánh nặng chi phí tài chính 230 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp 66 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi... Kết quả, công ty lỗ đậm 350 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2022 lỗ 62 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Pomina giảm đến 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.400 tỷ đồng; lỗ ròng 537 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2022 vẫn lãi sau thuế hơn 8 tỷ đồng.
Theo giải trình của Pomina, quý 2/2023, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi chi phí tài chính và chi phí cố định của dự án mới đưa vào hoạt động còn cao. Bên cạnh đó, nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng công ty phải gánh nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay.
Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, mã TVN) khiến nhà đầu tư thất vọng khi trước đó ước có lãi trở lại trong quý 2/2023 nhưng báo cáo tài chính lại ghi nhận lỗ nặng. Doanh thu thuần của công ty đạt 6.754 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Giá vốn cao nên lợi nhuận gộp vỏn vẹn 93 tỷ đồng, giảm 57%.
Thêm vào đó, VNSteel phải gánh lỗ từ công ty liên doanh liên kết tới 324 tỷ đồng (cũng là các công ty trong ngành thép), nặng hơn nhiều so mức 105 tỷ của cùng kỳ. Sau khi trừ các loại chi phí, công ty lỗ sau thuế 284 tỷ đồng, nặng hơn nhiều so mức lỗ 40 tỷ đồng của cùng kỳ 2022.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu của TVN thuần giảm gần 31% so với cùng kỳ, xuống 15.096 tỷ đồng. Thu không đủ bù chi nên VNSteel lỗ sau thuế 216 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 155 tỷ đồng.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) lỗ kỷ lục 98 tỷ đồng trong quý 2/2023, đánh dấu quý thứ 4 thua lỗ liên tiếp. Nguyên nhân do trong kỳ, doanh thu giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1.946 tỷ đồng; giá vốn lại cao hơn khiến lỗ gộp 24 tỷ đồng. Chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay tăng mạnh; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi. Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty lỗ sau thuế 117 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) có lãi nhưng không từ hoạt động kinh doanh. Công ty ghi nhận doanh thu quý 2/2023 đạt 1.233 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng cao nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 38 tỷ đồng, giảm 73%.
Sau khi cộng thêm doanh thu tài chính 5 tỷ đồng và trừ đi các loại chi phí, TLH ghi nhận lỗ gần 4 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 35 tỷ đồng. Doanh nghiệp thép đã thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác tăng mạnh, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thuyết minh, thu nhập khác tăng đột biến chủ yếu do ghi nhận hơn 10 tỷ đồng liên quan đến thu nhập từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định.
Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) thì chỉ lãi ròng hơn 14 tỷ đồng trong quý 3/2023 (niên độ tài chính của công ty từ 1/10-30/9), giảm mạnh so với quý 2/2023 lãi 251 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính đều sụt giảm. Lũy kế 9 tháng, công ty vẫn lỗ ròng 410 tỷ đồng.
Nhu cầu ngành bất động sản ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm. Nguồn: VNDirect |
Đối với Tập đoàn Hoà Phát và Thép Nam Kim, hai doanh nghiệp đã có sự phục hồi lợi nhuận nhưng mức lãi vẫn rất khiêm tốn so với quy mô và các quý trước thời điểm ngành thép gặp khó (từ quý 3/2022). Hoà Phát lãi hơn 1.400 tỷ đồng trong quý 2/2023, gấp 3 lần quý 1 và cải thiện hơn nhiều hai quý lỗ trước đó. Còn Thép Nam Kim có lãi trở lại sau 3 quý thua lỗ, đạt 125 tỷ đồng.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm mới cập nhật, VNDirect nhận định, thời điểm khó khăn nhất dường như đã ở lại phía sau. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn sẽ phủ bóng lên triển vọng phục hồi của các công ty thép nửa cuối năm 2023.
Theo VNDirect, triển vọng ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản có “rã đông” được hay không, khi nhiều điểm nghẽn vẫn chưa được giải quyết.
VNDirect cho rằng nguồn cung bất động sản nội địa sẽ chỉ có thể tăng trở lại từ năm 2024 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ chưa thể hồi phục mạnh mẽ cho tới năm sau.