Tăng hàm lượng khoa học trong sản xuất nông nghiệp. |
Nhằm chia sẻ tri thức, kinh nghiệm từ người Việt Nam ở nước ngoài về chuỗi nông nghiệp thông minh toàn diện, “Hội thảo và triển lãm Nông nghiệp thông minh - Từ nông trại đến bàn ăn năm 2023” đã được tổ chức ngày 6/1.
Kỳ vọng tri thức công nghệ được phủ đến từng cánh đồng, trang trại, ao bè
Nhắc về chủ đề của hội thảo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, cần bổ sung thêm việc làm rõ thời cơ và thách thức của nông nghiệp thông minh. “Bởi bên cạnh thời cơ còn những thách thức cần vượt qua, đôi khi điều này khiến con đường đạt mục tiêu trở nên khó khăn. Thời cơ và thách thức chính là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, là sự vào cuộc của tri thức công nghệ và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Từ một triết lý khoa học của Chile là "khoa học chân đất", Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý các nhà khoa học có thể áp dụng triết lý này vào Việt Nam, nghĩa là làm khoa học cần đi từ việc hiểu được thực trạng tâm lý người nông dân. Ông cũng dẫn số liệu người làm trong ngành nông nghiệp Hoa Kỳ chỉ chiếm 2% dân số mà đóng góp lớn vào tỷ trọng GDP, còn Việt Nam vốn là một đất nước nông nghiệp nhưng vẫn đi sau Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp Hoa Kỳ có diện tích sản xuất rất lớn đã hình thành chuỗi, còn nông nghiệp Việt Nam thì diện tích sản xuất manh mún. Một khía cạnh khác theo ông là 2% người làm nông nghiệp của Hoa Kỳ bao gồm nhiều nhà khoa học, tiến sỹ, kỹ sư doanh nhân tham gia, còn nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là người nông dân thực hiện.
Từ thực trạng đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở, các nhà khoa học trẻ cần nhìn thấy sự so sánh này để đặt ra câu hỏi và tìm hướng nghiên cứu. Bộ NN&PTNT cũng đang thực hiện nhiều chương trình tri thức hóa nông dân để họ có thể dễ dàng đón nhận những khoa học mới, tri thức mới khi đưa từ nước ngoài vào Việt Nam.
"Tôi mong muốn tri thức công nghệ được phủ đến từng cánh đồng, trang trại, ao bè để lan tỏa đến mọi người nông dân Việt Nam. Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp còn khoảng không gian rất lớn để khai thác và thay đổi cả nền nông nghiệp”.
TS. Trần Phi Vũ, Chủ tịch học thuật Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt – Australia thì cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam dù đạt nhiều thành tựu vẫn còn đang gặp nhiều hạn chế từ sự cạnh tranh toàn cầu, thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Do đó, để có thể duy trì tăng trưởng, nâng cao vị trí nông sản Việt trên bản đồ thế giới cần có giải pháp đồng bộ, trong đó việc chuyển đổi nông nghiệp thông minh.
Huy động sức mạnh tri thức của kiều bào thay đổi nền nông nghiệp
Nhìn từ khoảng trống lớn của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, ông Mai Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại Giao) cho rằng, Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia đóng góp lấp đầy khoảng trống này. Hiện số lượng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, đạt đến gần 6 triệu người.
Ông Dũng cho rằng, kiều bào có thể đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển đất nước về tri thức, khoa học, mang những kinh nghiệm của các nước về Việt Nam. Hiện có hơn 500.000 tri thức kiều bào ở các nước, hàng trăm ngàn doanh nhân Việt Nam ở thế giới, có thể hỗ trợ cho hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác.
Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài đã tạo ra nhiều chương trình, hành động để doanh nhân, tri thức kiều bào có thể phát huy nguồn lực, tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và của cả đất nước, trong đó có nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng.
Làm đất trong nông nghiệp Mỹ. |
Với nhiều góc nhìn từ các chuyên gia, nhà khoa học, bức tranh về quy trình sản xuất và phát triển của nông nghiệp thông minh cũng được khắc họa rõ nét thông qua ba phiên thảo luận của hội thảo.
Tại phiên thảo luận “Công đoạn đầu tiên của Chuỗi nông nghiệp thông minh”, TS. Nguyễn Việt Tuấn (Bộ Nông nghiệp bang Victoria) đã nêu chủ đề “Nghiên cứu hệ gen trên bò sữa và bài học áp dụng cho Việt Nam", trong đó nhấn mạnh mối liên kết giữa các trường/ viện nghiên cứu, trung tâm dữ liệu hệ gen và nông hộ. TS. Nguyễn Kỳ Tài, Đại học Southern Queensland - Australia thì nêu lên bản chất của canh tác thông minh chính là đưa công nghệ mới vào hoạt động nông nghiệp.
Tại phiên thảo luận “Công đoạn thứ hai của Chuỗi nông nghiệp thông minh”, các chuyên gia đã đưa ra các ý kiến về chủ đề xây dựng thương hiệu nông thuỷ sản Việt Nam từ nông trại đến bàn ăn; giải pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm; giải pháp phân tích kim loại nặng trong thực phẩm, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, phân tích hàm lượng vitamin, kháng sinh, mycotoxins.
Tại phiên tham luận “Công đoạn cuối của Chuỗi Nông nghiệp thông minh”, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp ngân hàng HDBank nói về những giải pháp tài chính toàn cầu xanh và bền vững; trong khi bà Nguyễn Thị Thành Thực, Uỷ viên BCH Hiệp hội nông nghiệp Việt Nam, trình bày nội dung chuyển đổi số nông nghiệp kết nối xuyên biên giới.