Quang cảnh đổ nát do động đất tại Wajima, Ishikawa, Nhật Bản ngày 2/1/2024. Ảnh: AP |
Tính tới 2/1, các nhà chức trách tại tỉnh Ishikawa và các khu vực lân cận bị ảnh hưởng bởi động đất vẫn chưa thể thống kê được thiệt hại do quy mô quá lớn. Truyền thông Nhật Bản cho biết hàng chục nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy trong khi dịch vụ nước, điện và điện thoại di động vẫn không hoạt động ở một số khu vực.
Các video quay từ trên cao được đăng tải bởi các hãng tin địa phương cho thấy thiệt hại lan rộng ở những điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với lở đất chôn vùi nhiều đường sá, tàu thuyền bị chìm trong khi hỏa hoạn biến cả một khu vực tại thành phố Wajima thuộc tỉnh Ishikawa thành tro.
Nhiều người dân phải sơ tán khỏi các khu vực bị ảnh hưởng tới những nơi trú ẩn an toàn như trường học hay trung tâm cộng đồng. Các chuyến tàu cao tốc trong khu vực cũng đã bị tạm dừng nhưng dịch vụ hầu như đã được khôi phục vào chiều ngày 2/1, tuy nhiên một số đoạn đường cao tốc vẫn phải đóng cửa.
Nhằm giúp đỡ nỗ lực cứu hộ, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết quân đội nước này đã cử 1.000 binh sĩ đến vùng thảm họa. Hãng tin Reuters dẫn lời ông cho biết: “Cứu mạng sống người dân là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và chúng tôi đang chiến đấu với thời gian. Điều quan trọng là những người bị mắc kẹt trong nhà phải được giải cứu ngay lập tức”.
Ngày 1/1 trước đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã đưa ra cảnh báo sóng thần lớn đối với Ishikawa và các cảnh báo hoặc khuyến cáo về sóng thần cấp thấp hơn đối với phần còn lại của bờ biển phía tây của đảo chính Honshu của Nhật Bản, cũng như đối với đảo phía bắc Hokkaido. Tuy nhiên, cảnh báo được hạ cấp vài giờ sau đó và tới đầu ngày 2/1, tất cả cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ.
Kể từ khi động đất xảy ra chiều ngày 1/1, con số thương vong tại miền trung Nhật Bản đã tăng lên 57 người, trong đó có 22 người tại Suzu và 24 người tại thành phố Wajima gần đó.
Dù con số thương vong tiếp tục gia tăng, những cảnh báo kịp thời tới công chúng thông qua đài phát thanh và điện thoại cũng như phản ứng nhanh chóng của chính quyền cũng như người dân đã giúp hạn chế được một số thiệt hại. AP dẫn lời ông Toshitaka Katada, giáo sư chuyên về thảm họa tại Đại học Tokyo, cho biết mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng vì khu vực này đã phải hứng chịu nhiều trận động đất trong những năm gần đây.
Chính quyền địa phương cũng chuẩn bị sẵn kế hoạch sơ tán và nguồn cung cấp khẩn cấp. Ông cho biết: “Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới sẵn sàng ứng phó với thảm họa như Nhật Bản”. Nhật Bản thường xuyên hứng chịu động đất do nằm dọc theo “vành đai lửa Thái Bình Dương”, một vòng cung núi lửa và đường đứt gãy ở lưu vực Thái Bình Dương.