Cổ phiếu của Coteccons đang được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng. |
Kết phiên 21/11, cổ phiếu CTD của CTCP Coteccons tăng hơn 5% lên mức giá 65.800 đồng/cp – cao nhất kể từ tháng 4/2022; khớp lệnh gần 3,5 triệu đơn vị - mức thanh khoản cao so với giao dịch trung bình của mã này.
Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh từ tháng 9 tới nay, CTD là một trong số ít các mã “ngược dòng”, tăng 38%. Còn tính từ vùng đáy hồi tháng 11/2022, cổ phiếu của Coteccons đã tăng tới hơn 240%. So với các cổ phiếu cùng ngành khác như HBC, HUT, VCG, DPG, HTN... CTD cho hiệu suất đầu tư vượt trội hơn hẳn.
Giai đoạn đầu năm 2023, cổ phiếu CTD được chú ý khi Coteccons dẫn đầu liên danh Hoa Lư tham gia dự thầu gói thầu nhà ga hành khách sân bay Long Thành, tăng 130% trong vòng 4 tháng (tháng 3 đến tháng 7). Sau khi kết quả gói thầu được công bố và Hoa Lư bị loại, CTD có chịu áp lực điều chỉnh nhưng chỉ giảm hơn 25% rồi bật tăng trở lại.
Mặc dù ngành xây dựng vẫn đang phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh của Coteccons trong quý 1 niên độ tài chính mới (từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024) lại khả quan hơn nhiều doanh nghiệp trong ngành. Đây có thể chính là một phần động lực giúp CTD giữ được “phong độ”.
Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 4.124 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đến từ hợp đồng xây dựng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 67 tỷ đồng, so với mức lỗ 3,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Giải trình biến động lợi nhuận, Coteccons cho biết doanh thu tăng tác động lợi nhuận tăng. Bên cạnh đó, do chính sách trích lập dự phòng đối với các dự án rủi ro mà ban lãnh đạo đã chủ động thực hiện từ năm trước đã làm giảm nhẹ được tác động của các biến động về chi phí nhân công, nguyên vật liệu xây dựng và các yếu tố vĩ mô lên chi phí giá vốn trong kỳ.
Cổ phiếu CTD về "đỉnh" 18 tháng. |
Lợi nhuận sẽ tăng trưởng mạnh giai đoạn 2024-2026?
Trong báo cáo phân tích triển vọng CTD mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo Coteccons đạt 17.027 tỷ đồng doanh thu trong niên độ tài chính này, tăng 152% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17% so với năm 2022; lãi ròng đạt 236 tỷ đồng, tăng 354% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1.024% so với năm 2022. EPS fwd đạt 2.383 đồng/cp, P/E fwd là 26x, P/B fwd là 0,7x.
Kết quả trên dựa trên các giả định: Doanh thu xây lắp đạt 17.000 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp đạt 2,8% nhờ tăng tỷ trọng mảng xây dựng công nghiệp trong cơ cấu backlog (đơn đặt hàng tồn đọng); biên lợi nhuận ròng đạt 1,4% nhờ giảm trích lập dự phòng khoản phải thu xuống còn 104 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2024-2026, BSC kỳ vọng lợi nhuận ròng của CTD sẽ tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 107%, từ mức nền thấp trong giai đoạn 2020-2023. Điều này là nhờ công ty sở hữu lượng backlog có giá trị lớn, đạt 20.000 tỷ đồng tính đến hết năm 2023.
Mặt khác, CTD sở hữu tình hình tài chính khá lành mạnh. Tính đến cuối quý 1 niên độ tài chính 2023-2024, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 14%, thấp nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết mảng xây lắp. Lượng tiền và đầu tư ngắn hạn đạt 4.079 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản, giúp CTD có khả năng cung cấp các hợp đồng xây dựng với các điều khoản hỗ trợ chủ đầu tư, cũng như không cần phải phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính để thực hiện dự án.
Coteccons còn tích cực tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, như việc đẩy mạnh phát triển mảng xây dựng công nghiệp, xúc tiến đầu tư ra thị trường nước ngoài...
CTD sở hữu tình hình tài chính lành mạnh nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết mảng xây lắp. |
Khó đạt được mức định giá cao như giai đoạn trước
Trong giai đoạn cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo 2020-2022, định giá của CTD đã bị chiết khấu xuống mức nền rất thấp với P/B trung bình chỉ đạt mức 0,6x. Với các luận điểm về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh trở lại của CTD như đã trình bày ở trên, cùng với việc chiến lược kinh doanh dưới thời ban lãnh đạo mới dần được định hình và cho thấy kết quả tích cực, BSC cho rằng CTD xứng đáng có một mức định giá tốt hơn.
Mặc dù vậy, BSC cũng nhận định Coteccons khó có thể đạt được mức nền lợi nhuận cao như giai đoạn tăng trưởng mạnh 2015-2019 (P/B trung bình 2x) do môi trường cạnh tranh của ngành xây dựng ngày càng cam go, việc thay đổi chủ sở hữu khiến cho CTD không có được lợi thế về mối quan hệ với một số chủ đầu tư, thị trường xây dựng công nghiệp tại Việt Nam còn khá eo hẹp... Do đó, CTD cũng sẽ khó có thể đạt được mức định giá cao như giai đoạn trước.
Tổng hợp lại, BSC cho rằng mức định giá với P/B mục tiêu 0,9x là phù hợp đối với CTD ở thời điểm hiện tại.